Ba ngày hai đêm bên Thái, tôi chỉ vẻn vẹn 140 bạc, ôm bụng đói đi ngủ, ăn kem đánh răng, ăn cả lá mạ non khi ngủ trên 1 chòi canh lúa giữa đồng đêm bát ngát sát quốc lộ đi Sisaket... Ba ngày hai đêm, tôi không có chút tiếng Việt, không ai thân thích, chỉ toàn xe cảnh sát hú hí cả đêm... Ba ngày hai đêm, tôi nhớ nhà, nhớ đến lịm đi, tôi thèm sang Lào để điện về nhà... Chắc bố mẹ lo lắm. Về mới biết khi đang ở Thái, tý nữa bố đã báo công an.
Có bao nhiêu may mắn giữa vô vàn cái rủi? Có bao nhiêu mặc bay giữa bấy nhiêu khao khát? Có một người anh ở chỗ làm thêm nói với tôi là anh muốn học mỹ thuật, nhưng mẹ anh bắt phải anh phải vào sư phạm theo nghề gia đình, rồi anh chán, anh học một cách rất thủng thẳng. Học được hơn năm anh bị đuổi, anh giấu bố mẹ, rất hiếm khi về nhà. Ngoài việc làm phục vụ, anh hay ra ngồi gần sân vận động Mỹ Đình để vẽ dạo. Anh vẫn cười bảo: “Anh sẽ làm lại”. Lần gặp nhau gần nhất cách đây đã gần hai năm, hôm đó là ngày anh bay khi được học bổng của Đại học Busan - Hàn Quốc.
Tôi có kể cho anh về những chuyến đi của mình, anh cho tôi xem những bức tranh, phần nhiều trong đó là chân dung. Anh thích vẽ chân dung, anh bảo mỗi con người đều một cuộc sống riêng, một biến cố riêng, nó thể hiện qua gương mặt. Vẽ, đôi khi còn để đi vào thấu hiểu và chiêm nghiệm.
Tôi nhớ lần đầu tiên đi đạp xe xuyên Việt, mẹ đi tiễn, lần đó mẹ khóc hết nước mắt. Mẹ sợ đường xa, sợ ăn uống không đủ chất… Rồi đến lần tôi đi đạp vòng quanh Đông Dương với Thái Lan, dù biết trước khi khởi hành tôi bị sốt rét và gãy tay còn chưa kịp tháo bột, mẹ chỉ dặn là cẩn thận, đi đến đâu thì gọi cho mẹ.
Tôi chẳng quên ngày mấy đêm nhịn đói ở bên Thái Lan, do không đổi được tiền lên hai đứa chỉ có trong túi 40 bạc, ăn tiêu dè xẻn lắm. Lúc đói mù, dốc hết ba lô xem còn vương lại mẩu lương khô, miếng bánh nào không… Chịu đói đi ngủ, cắm tai nghe bật “Lá Cờ”. Bài hát mà khi đi qua Biển Hồ bên Campuchia, tôi có hát cho mấy chú công nhân người Campuchia khi đi nhờ xe.
Tôi vẫn rưng rưng khi sang được đến Lào, được gặp những người Việt, được xem truyền hình Việt, được ăn nhiều món Việt… Tôi vẫn hằn in câu nói của bác chủ quán ăn “Bọn mày kể thật lạ. Nhàn hạn không muốn, lại muốn đày”. Bọn tôi chỉ biết cười toe.
Nhiều chuyến đi của tôi, đều có thể là một sự đày mình trong góc nhìn của nhiều bạn trẻ khác. Đôi khi, tôi đã nghĩ có thể là mình đi quá nhiều, đày nhiều, mà theo ngôn ngữ của nhiều người là “khổ quá, sướng không chịu được”, nên tôi chẳng buồn diện quần âu, sơ mi… Tôi muốn mọi thứ thoải mái.
Và dần thế, tôi ham đi, tôi đã nghĩ đi có thể là một nghề. Tức là có thể kiếm ra tiền, nuôi sống bản thân. Nhưng mâu thuẫn hơn, khi tôi nói ra điều đó với nhiều bạn, họ bảo hâm. Có người lạc quan hơn, họ bảo có thể làm hướng dẫn viên, làm du lịch. Nhưng tôi lại không giỏi trong việc truyền cảm hứng, dẫn dắt người khác nên cũng không định.
Rồi hôm trước, cách đây không lâu, tôi tình cờ thấy một anh bạn cùng đi xuyên Việt đang ở Ten Avip - thủ đô của Israel, theo dõi và nhắn tin thì anh đi lao động bên đó vài năm. Trước đó anh học Đại học Nông nghiệp Hà Nội. Tôi nghĩ, tại sao không?
Tôi muốn đi Nhật. Tôi rất thích Nhật Bản. Tôi đặt giả sử nếu học hết đại học, tôi có thể xin ra nước ngoài xuất khẩu lao động, hoặc đi làm theo các chương trình hợp tác thì biết đâu mình vừa có thể lao động, vừa làm việc, vừa được đi. Chắc chắn rằng thời gian làm việc sẽ không thể đi đâu được, nên tôi nghĩ sau khi kết thúc chu trình làm việc, có thể sẽ xin visa gia hạn thêm khoảng 1-2 tháng để bản thân có thể đi vòng quanh nước đó. Sau khoảng thời gian bên đó, tôi sẽ hiểu đất nước, con người bên đó, chẳng phải đó cũng là những trải nghiệm hay sao. Mình còn trẻ. Sợ gì.
Tôi bắt đầu tự học tiếng Nhật như hồi bắt đầu tự học tiếng Anh để đi Đông Dương với Thái Lan. Tất nhiên mới chỉ dừng lại ở chào hỏi đơn giản và một số xã giao phổ thông. Tôi học trên mạng là chính, vì còn phải đi làm thêm và học.
Tôi có nói ý định đó với 2 người bạn thân nhất, tất nhiên không ai ủng hộ cả. Cảm giác ý tưởng của tôi quá kỳ dị. Nếu đi du lịch một vài ngày, vài tuần thì ổn, nhưng đi vài năm trời lại theo kiểu xuất khẩu lao động như thế thì không nên.
Tôi lại nghĩ đến chuyện của anh hoạ sĩ và từ tiếng Nhật đầu tiên tôi biết là “Jo-ne-su” có nghĩa là “đam mê”.
Đi với tôi là đam mê, tôi vẫn tự động viên mình rằng không có điều gì tuyệt hơn là được làm những gì mình muốn. Thật đáng chán nếu ai trong chúng ta sống một cuộc sống không đam mê hay ước mơ, chẳng may nếu thức dậy vào một buổi sáng, lại thấy bản thân chẳng còn hy vọng, chẳng còn niềm tin, chẳng ước mơ hoặc đã bỏ lỡ thì có lẽ những ngày tháng ấy là niềm thất vọng nhất trên đời.
Cuộc thi viết "Sống với đam mê" do Báo điện tử VnExpress phối hợp cùng Công ty TNHH Sapporo Việt Nam tổ chức từ ngày 12/8 đến ngày 23/9. Cuộc thi dành cho mọi công dân aViệt Nam từ 18 tuổi trở lên. Độc giả gửi bài dự thi tại đây. |
Đỗ Duy Khánh