Tôi sinh ra với một cơ thể không mấy lành lặn, tôi bị khuyết tật và mắc thêm chứng bệnh “xương thủy tinh”. Cuộc sống của một đứa trẻ quanh năm gắn liền với trạng thái “xương gãy lại lành, lành rồi lại gãy” khiến mọi ước mơ của tôi gần như vụt tắt.
Bệnh tật khiến tôi không thể đến trường như bao bè bạn cùng trang lứa. Sự thèm khát được đi học như ngọn lửa muốn thêu đốt một đứa trẻ ốm yếu, quanh năm chỉ biết bò trườn trên chiếc giường tre bé nhỏ. Nhưng chính chiếc giường ọp ẹp đó lại khơi nguồn tri thức cho tôi. Tôi quyết tâm “tìm đến con chữ” vì tôi biết chỉ có biết chữ mới có thể mở ra cho tôi một tương lai tươi tốt.
Thế là tôi áp dụng chiến thuật “năn nỉ” mẹ mua sách về dạy cho tôi. Tôi học rất nhanh, chỉ trong vòng một tháng tôi đã có thể làm toán, viết khá thuần thục. Niềm kiêu hãnh vỡ òa trong cô bé chín tuổi là tôi.
Từ ngày biết chữ, tôi lại mong muốn mang những con chứ ít ỏi mà tôi góp nhặt được san sẻ lại cho các em nhỏ xung quanh xóm ấp nơi tôi đang sống, “Lớp học tình thương” ra đời từ đó.
Mặc dù việc dạy học làm cho cuộc sống của tôi trở nên ý nghĩa hơn, nhưng tôi vẫn canh cánh một nỗi lo âu cùng với niềm mơ ước có một công việc với thu nhập vừa đủ để tôi phần nào giảm bớt gánh nặng cho gia đình. Mặc khác tôi cũng muốn khẳng định giá trị “tàn mà không phế”.
Tôi bắt đầu lên kế hoạch. Kế hoạch đầu tiên, tôi xin ba mẹ cho tôi một ít diện tích trong khuôn viên nhà để mở hàng tạp hóa bán. Lúc đầu, ba mẹ ái ngại vì không biết tôi có làm được không. Tôi phải thuyết phục mãi ba mẹ mới tạm an tâm gật đầu chấp thuận ý tưởng “mạo hiểm” của tôi. Được ba mẹ đồng ý, tôi mừng không tả xiết, nhưng ngay lập tức tôi phải đối mặt với vấn đề lớn chính là tiền. Tiền đâu mở quán bây giờ? May mắn là lúc đó dì hai của tôi đã tin tưởng và đồng ý cho tôi mượn ba triệu (thời điểm đó với một đứa con nít như tôi thì số tiền ba triệu là cả một gia tài).
Có vốn, tôi bắt đầu lên kế hoạch 2 và nhờ chị gái đi chợ lấy hàng cho tôi. Nhờ có khiếu ăn nói, nên quán tạp hóa của tôi lúc nào cũng đông khách. Khách mua chủ yếu là bà con hàng xóm, đặc biệt là các khách hàng nhí ghé mua kẹo, bánh. Quán của tôi với phương châm: “Khách tự lựa, tự lấy và tự để lại tiền” (vì lúc đó mọi sự di chuyển của tôi chỉ ở trên giường nên tôi chỉ có thể giới thiệu hoặc chỉ cho khách biết hàng nào nằm ở đâu thôi).
Cứ như thế, mỗi ngày khi được cầm trên tay những đồng bạc lẻ từ sức lao động của mình. Tôi nghiệm ra một điều “gặp trở ngại không hẳn là thất bại và thất bại không hề đáng sợ. Bởi thất bại mà vẫn kiên trì tiến bước thì đó mới là điều đáng quý”.
Hiện tại, quán tạp hóa và lớp học của tôi đã ngưng hoạt động. Thay vào đó là một thư viện miễn phí cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn mọc lên ngay trên diện tích quán tạp hóa ngày nào.
Tôi biết xã hội ngày một phát triển, kinh tế khó khăn. Cơm áo, gạo tiền chật vật lắm, nhưng tôi tin ngọn lửa sẻ chia, niềm đam mê hoạt động, sự cống hiến cho cộng đồng trong tôi sẽ vẫn cháy, cháy như chưa hề vụt tắt!
Cuộc thi viết "Sống với đam mê" do Báo điện tử VnExpress phối hợp cùng Công ty TNHH Sapporo Việt Nam tổ chức từ ngày 12/8 đến ngày 23/9. Cuộc thi dành cho mọi công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên. Độc giả gửi bài dự thi tại đây. |
Huỳnh Thanh Thảo