Đồng Ngọc Hà, 19 tuổi, từng là học sinh lớp chuyên Vật lý trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), nhưng lại dự thi Olympic Sinh học quốc tế và giành huy chương bạc năm 2020. Thời điểm đó, Hà đã có những buổi giảng dạy đầu tiên cho học sinh giỏi Sinh ở các tỉnh, thành trong dự án Biology For All Vietnam do em sáng lập. Dự án cùng nhiều hoạt động khác giúp em vào top 50 giải thưởng Sinh viên toàn cầu (Global Student Prize).
Hiện Hà soạn bài giảng, chuẩn bị cho mùa thứ hai của dự án, hỗ trợ học sinh trong đội tuyển Sinh của hơn 10 tỉnh, thành trước kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Với em, ước mơ bây giờ không chỉ là nhà khoa học mà còn là nhà giáo, truyền kiến thức học được tới mọi người. Đó cũng là lý do em dừng học đại học gần một năm để tham gia khóa luyện tập nghiên cứu tại Trung tâm Khoa học sự sống, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, đồng thời thực hiện các dự án cộng đồng liên quan đến giảng dạy và khoa học.
"Em muốn mình có thêm trải nghiệm và những góc nhìn tổng quan hơn trước khi theo học một chương trình đào tạo chính quy", Hà giải thích. Vào top 50 Global Student Prize khiến em thêm tự tin vào con đường mình đã chọn.

Đồng Ngọc Hà từng giành huy chương bạc Olympic Sinh học quốc tế năm 2020. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Hà biết đến Global Student Prize một cách tình cờ. Thời gian nhận hồ sơ kéo dài 2-3 tháng, nhưng phải đến những ngày cuối cùng em mới biết về giải thưởng thông qua một người bạn. Tìm hiểu thêm, Hà thấy đơn vị phát động giải thưởng uy tín, tham gia sẽ có cơ hội giao lưu, học hỏi với nhiều sinh viên xuất sắc khắp thế giới nên quyết định làm hồ sơ.
Chỉ trong 2-3 buổi tối trước hạn chót, Hà phải hoàn thành 8 bài luận bằng tiếng Anh theo yêu cầu của Ban tổ chức. Thế nhưng em không quá áp lực bởi những gì viết ra đều là những gì em làm, từ dự án Biology For All Vietnam, blog "Một page Sinh linh tinh" đến việc làm admin một số hội nhóm về Sinh học trên Facebook, ôn tập cho các bạn môn Lý và Sinh, dạy tiếng Anh cho mẹ.
Đến đầu tháng 8, khoảng hai tháng sau khi nộp hồ sơ, Hà nhận được lịch hẹn phỏng vấn từ Ban tổ chức. Lần này, em có dịp chia sẻ nhiều hơn trải nghiệm từ những câu chuyện đã đưa ra trong bài luận, những suy nghĩ về giáo dục, từ những điều nhỏ nhất như cách quản lý lớp học của một lớp trưởng đến vấn đề lớn hơn như việc còn nhiều người lớn tuổi trong cộng đồng phải bỏ học từ sớm - điều mà em nhận ra từ chính mẹ mình.
Xuyên suốt hồ sơ và buổi phỏng vấn, Hà cho thấy sự thay đổi rất nhiều của em khi làm các dự án liên quan đến dạy học. Trước đây, em nghĩ chỉ cần học thật giỏi để trở thành nhà khoa học, nghiên cứu ra các giải pháp, sản phẩm hữu ích với cuộc sống. Nhưng mọi thứ dần thay đổi từ khi em được thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế.
Ở những cuộc thi đó, Hà gặp gỡ những bạn đồng trang lứa từ nhiều tỉnh, thành khó khăn, phải phụ giúp gia đình từ nhỏ nhưng vẫn học rất giỏi. Các thầy cô ở tỉnh phải vất vả gồng gánh rất nhiều phần trong Sinh học để dạy học trò, khác với cách em được tiếp nhận kiến thức từ nhiều thầy cô, chuyên gia khi học đội tuyển ở trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên.
Dù sinh ra trong gia đình không mấy khá giá, từng có thời điểm rất khó khăn, cả nhà 4 người sống trong căn hộ cũ kỹ 24 m2, Hà vẫn thấy mình may mắn. Việc học ở trường chuyên top đầu cả nước với em là đặc quyền. Nó khiến em nghĩ đến dự án hỗ trợ học sinh giỏi ở địa phương và Biology For All Vietnam ra đời.
Với dự án này, Hà cùng một số học sinh trong đội tuyển dự thi quốc tế đã dạy kèm được cho đội tuyển học sinh giỏi của nhiều tỉnh thành như Bắc Giang, Quảng Nam, Hà Nam, Thái Bình, Quảng Ngãi hay Hòa Bình. Đó là lúc em trở nên đam mê dạy học hơn.

Đồng Ngọc Hà chụp ảnh cùng những học sinh của Hưng Yên khi thực hiện dự án Biology For All Vietnam
Từ một dự án dạy kèm, Hà tham gia nhiều dự án khác với vai trò là giáo viên, người hướng dẫn, bảo trợ chuyên môn. Em cũng tham gia giảng dạy tiếng Anh ở một tổ chức phi chính phủ. Công việc diễn ra giữa lúc Covid-19 phức tạp, việc dạy hoàn toàn online khiến Hà trăn trở làm sao dạy học cho hiệu quả.
"Dạy học không phải chỉ ném kiến thức cho học sinh mà phải dạy một cách khoa học, tâm huyết để các em cảm thấy được trân trọng, kiến thức mình đem lại cho người học hữu ích", Hà nói. Những trăn trở đó khiến Hà càng chắc chắn hơn về ước mơ vừa là nhà khoa học, vừa là nhà giáo của mình.
Cùng với đam mê dạy học, Hà cũng ghi dấu ấn với Ban tổ chức Global Student Prize nhờ thành tích học thuật. Ngoài huân chương Lao động hạng ba và huy chương bạc Olympic Sinh học quốc tế 2020, trong năm qua Hà đã giành thêm huy chương vàng Olympic Y học quốc tế. Em cũng tham gia một số kỳ thi về kinh doanh, làm thực tập sinh cho một công ty để khám phá lĩnh vực mới, tìm hiểu xem khoa học và công nghệ đang được ứng dụng ở doanh nghiệp thế nào.
Không quá kỳ vọng là người giành giải thưởng 100.000 USD từ Global Student Prize, Hà vẫn rất vui vì đã vượt qua 3.500 ứng viên từ 94 quốc gia để vào top 50 và trở thành thành viên của cộng đồng sinh viên toàn cầu Chegg Changemaker. Tới đây, em sẽ có cơ hội cùng các bạn thảo luận về những chính sách, chiến dịch liên quan đến học sinh, sinh viên và giáo dục. Trước mắt, em sẽ tập trung vào các dự án đang triển khai, tiếp tục bồi dưỡng năng lực nghiên cứu trước khi tham gia một chương trình đào tạo đại học chính quy.
Giải thưởng Sinh viên toàn cầu Chegg.org (Global Student Prize) được tổ chức lần đầu tiên với sự hợp tác giữa Chegg.org - công ty cung cấp giải pháp công nghệ giáo dục có trụ sở tại Mỹ và Varkey Foundation - quỹ từ thiện toàn cầu tập trung vào việc cải thiện tiêu chuẩn giáo dục cho trẻ em kém may mắn. Varkey Foundation cũng là quỹ tổ chức giải thưởng Giáo viên toàn cầu mà năm ngoái cô giáo Hà Ánh Phượng vào top 10.
Global Student Prize dành cho tất cả học sinh, sinh viên từ 16 tuổi trở lên, đang theo học tại một cơ sở giáo dục hoặc các khóa đào tạo. Học sinh, sinh viên bán thời gian hoặc chỉ tham gia các khoa đào tạo trực tuyến cũng đủ điều kiện nhận giải. Các em được đánh giá trên nhiều tiêu chí, gồm thành tích học thuật, sự ảnh hưởng tới các bạn đồng trang lứa, cách tạo ra khác biệt trong cộng đồng, cách vượt qua nghịch cảnh, cách thể hiện tính sáng tạo và đổi mới, cách trở thành những công dân toàn cầu.