Bức ảnh do một cư dân tên Theresa Birgin Lucas ở bang Minnesota chụp và chia sẻ trên mạng Reddit ghi lại khoảnh khắc đám mây màu xám cuồn cuộn xuất hiện phía trên một con đường, trông như thể cả đại dương đang bay lơ lửng chỉ cách mặt đất vài chục mét, Newsweek hôm 3/11 đưa tin.
Mây là những cột hơi nước ngưng tụ trên bầu trời, có nhiều hình dạng, kích thước và màu sắc, tùy theo điều kiện khí quyển, nhiệt độ và kích cỡ giọt nước. Theo Cơ quan Thời tiết Quốc gia, có 4 loại mây chính gồm mây ti, mây tích, mây vũ tầng và mây tầng tích. Mây ti ở trên cao và có dạng dải mỏng, mây tích là những đám mây liền nhau trông giống bông gòn, mây tầng tích là đám mây rộng như chiếc chăn trong khi mây vũ tầng là đám mây mưa kết hợp các đặc điểm của 3 loại còn lại.
Các chuyên gia chưa thống nhất về loại mây lơ lửng trên bầu trời trong ảnh chụp của Lucas. "Bức ảnh có vẻ giả đối với tôi", Katja Friedrich, giáo sư khoa học khí quyển và đại dương ở Đại học Colorado, chia sẻ. "Đầu tiên, dường như có một nguồn sáng ở góc dưới bên trái và góc trên bên phải. Thứ hai, có vẻ đám mây ở thấp hơn dịch chuyển từ bên trái, trong khi đám mây bên trên dày hơn ở bên phải, chứng tỏ nó kéo tới từ bên phải. Tôi cũng không biết chắc tại sao đám mây lại nghiêng về phía trước. Nó trông giống một đám mây tường".
Tuy nhiên, một số chuyên gia khác cho rằng đám mây kỳ lạ có thể là một dạng mây hiếm gặp được thêm vào Bản đồ mây quốc tế hồi tháng 3/2017. "Bức ảnh có vẻ rất thật và dạng mây này có tên gọi là mây tận thế (asperitas)", Tero Mielonen, nhà khoa học khí quyển ở Viện Khí tượng học Phần Lan, cho biết. Mây tận thế là một cấu trúc rõ nét giống sóng biển ở mặt dưới của đám mây, trông như mặt biển động khi nhìn từ bên dưới.
Ed Gryspeerdt và Paulo Ceppi, hai nhà khoa học chuyên nghiên cứu mây ở Đại học Hoàng gia London, cũng cho rằng bức ảnh chụp một đám mây tận thế. "Chúng tôi có thể hình dung nếu điều kiện ánh sáng phù hợp, và bức ảnh cắt đúng góc, bạn có thể thấy thứ gì đó như vậy. Mây tận thế thường có ánh sáng kỳ lạ và là một đáp án hợp lý", hai nhà nghiên cứu cho biết.
An Khang (Theo Newsweek)