Để chuyển các tráp ăn hỏi "khủng'' đến nhà gái (cách khoảng 5 km), nhà trai phải thuê hai xe tải. Chín tráp lễ vật này có một tráp trầu cau trang trí chim phượng, một tráp hoa quả trang trí hình rồng, bánh cốm, rượu, một tráp tổng hợp, heo quay, xôi.
Xe tải dừng gần cổng nhà cô dâu, mỗi tráp được một đôi nam nữ mặc áo dài truyền thống khênh đi sau chú rể tiến về phía nhà gái. Đoàn lễ ăn hỏi lập tức thu hút sự hiếu kỳ của người dân xung quanh. Gia đình cô dâu bất ngờ vì ''chưa thấy lễ hỏi nào to thế''.
"Chồng không tiết lộ gì về lễ mang đến nên tôi thực sự rất bất ngờ. Tôi không đặt nặng vật chất, nhưng thấy rất vui", Quỳnh Anh nói.
Anh Huỳnh Thái (đã đổi tên), 28 tuổi, hôn phu của Quỳnh Anh cho biết, đã lên kế hoạch cho đám cưới một tháng trước và thường tham khảo các dịch vụ cưới hỏi phù hợp. "Tình cờ một lần xem trên mạng xã hội, thấy tráp cưới này lạ, đẹp và sang trọng nên tôi đặt để bày tỏ tình yêu và sự trân trọng với vợ'', người đàn ông làm trong lĩnh vực bất động sản, cho hay.
Chị Ngọc Anh, 30 tuổi, đại diện dịch vụ cưới hỏi đã trang trí bộ tráp 9 kiệu khiêng cho biết, để hoàn thành số lễ vật của đám hỏi này, công ty đã phải huy động 5 nhân viên làm việc suốt ba ngày.
Vợ chồng Quỳnh Anh quen nhau ba năm trước qua một người bạn chung. Hai năm qua họ phải yêu xa do anh Thái làm việc ở Nha Trang, vướng Covid-19 không thể về. Họ dự định sau kết hôn sẽ trở về Hà Nội, nơi chú rể sống, để cùng lập nghiệp.
Đoạn clip về bộ tráp 18 người khiêng của vợ chồng Quỳnh Anh xuất hiện trên mạng xã hội hôm 17/12 thu hút gần 30.000 lượt like và gần 1.000 bình luận. Đa số đều bày tỏ sự thích thú, ngạc nhiên với bộ lễ vật được trang trí cầu kỳ và chúc mừng cặp đôi có một đám cưới hạnh phúc.
''Không ngờ đám hỏi của vợ chồng tôi lại thu hút sự chú ý đến vậy. Dù sao lễ cầu kỳ hay đơn giản cũng chỉ là hình thức. Điều tôi mong đợi là hai đứa sẽ cùng vun đắp để có một hôn nhân bền lâu", Quỳnh Anh nói.
Xem thêm các tráp ăn hỏi của cô dâu Quỳnh Anh.
Phạm Nga