Sự lựa chọn của anh ấy quả là khôn ngoan, vì quả thực tôi không biết câu trả lời. Các dữ liệu cho thấy khán giả đúng trong 91% các trường hợp, so với chỉ 65% ý kiến của các "chuyên gia". Michael Shermer, tác giả cuốn The Science of Good and Evil, nhận định.
Mặc dù sự khác biệt trên đây có thể chỉ là nhỏ, do khán giả thường được hỏi ý kiến trong những câu hỏi dễ, song đôi khi họ cũng đúng với những câu khỏi khó hơn. Nhìn chung, khi giải quyết một số lớn vấn đề, đám đông thường thông minh hơn những cá nhân đơn lẻ.
Điều này trái ngược với kết luận của nhà báo thế kỷ 19 người Scotland Charles Mackay, trong cuốn sách năm 1841 của ông là Extraordinary Popular Delusions and the Madness of Crowds, một tác phẩm theo chủ nghĩa hoài nghi: "Con người, từ lâu được xem là suy nghĩ theo đám đông. Có thể thấy trước là họ sẽ trở nên mất trí trong những đám đông như vậy, trong khi họ chỉ có thể khôi phục được giác quan của mình chậm chạp, và từng người một". Quan điểm này thậm chí còn nhận được sự ủng hộ của các nhà xã hội học, như Gustave Le Bon, trong tác phẩm kinh điển của ông là The Crowd: A Study of the Popular Mind: "Trong các đám đông, con người sẽ ngu đần và không có sự tích lũy trí tuệ bẩm sinh".
Song mới đây, đã xuất hiện các bằng chứng mới, mạnh hơn nhiều, cho thấy đám đông trí tuệ hơn cá nhân đơn lẻ, do James Surowiecki, một nhà báo người New York tập hợp trong cuốn sách thú vị năm 2004 của ông, The Wisdom of Crowds (Trí khôn của đám đông).
Trong một thí nghiệm, những người tham gia được yêu cầu phỏng đoán số hạt đậu chứa trong một cái bình. Kết quả trung bình của nhóm là 871, chỉ chênh 2,5% so với con số thực tế là 850 hạt. Trong khi đó, chỉ có 56 người cho kết quả gần đúng như. Lý do là trong một nhóm, sai số của người này sẽ được bù trừ với sai số của người khác.
Kết quả tương tự được tìm thấy trong một ví dụ kinh ngạc. Khi chiếc tàu ngầm Scorpion của Mỹ mất tích vào tháng 5/1968, một nhà khoa học hải quân tên gọi John Craven đã tập hợp một nhóm các chuyên gia về tàu ngầm, các nhà toán học và thợ lặn cứu hộ. Thay vì đưa họ vào một phòng để lần lượt tư vấn, ông yêu cầu họ đưa ra một phỏng đoán tốt nhất (dựa trên tốc độ và vị trí ghi được ở thời điểm cuối cùng của con tàu) về nguyên nhân tai nạn, tốc độ và độ dốc của chỗ chìm, cùng những thông số khác. Craven sau đó tính ra kết quả trung bình áp dụng định lý của Bayes. Sau cùng, con tàu Scorpion đã được tìm ra trên đáy biển, chỉ cách vị trí dự đoán trung bình 201 mét.
Tất nhiên, không phải lúc nào đám đông cũng khôn ngoan hơn. Tính bầy đàn có thể còn là một trở ngại nếu một số người trong nhóm nghĩ theo những hướng sai lầm. Chẳng hạn, thị trường chứng khoán đã phản ứng tiêu cực sau thảm họa của tàu con thoi Columbia hôm 1/2 năm 2003, làm phá giá cổ phần của nhà sản xuất tên lửa đẩy, mặc dù các tên lửa đẩy chẳng có liên quan gì ở đây.
Để ý kiến của đám đông trở thành ý kiến đúng, đó phải là một đám đông tự trị, phân quyền và đa dạng. Google đã trở thành trang web sáng chói nhờ sử dụng một thuật toán xếp hạng các website theo số lượng đường link với chúng, và bản thân các đường link này lại được xếp theo số lượng các link tới trang gốc của chúng. Hệ thống này thành công vì Internet là đám đông tự trị, phi tập quyền và đa dạng nhất trong lịch sử.
Thuận An (theo ScientificAmerican)