"Kẻ tấn công đã bị lực lượng an ninh Arab Saudi bắt ngay sau vụ tấn công. Người cảnh vệ được đưa đến bệnh viện và tính mạng của anh không bị nguy hiểm", đại sứ quán Pháp tại Arab Saudi hôm nay cho biết trong một thông cáo.
Cảnh sát tỉnh Mecca cho biết kẻ tấn công là người Arab Saudi, khoảng 40 tuổi, nhưng không công bố quốc tịch của cảnh vệ. Nghi phạm khai rằng anh ta đã dùng "dụng cụ sắc nhọn" để đâm nạn nhân.
Đại sứ quán Pháp tại Riyadh lên án mạnh mẽ vụ tấn công và kêu gọi công dân nước này ở Arab Saudi "cảnh giác cao độ". Cả chính quyền Arab Saudi và đại sứ quán Pháp đều không đưa ra bất kỳ chi tiết nào về động cơ của vụ tấn công.
Thông tin xuất hiện chỉ vài giờ sau vụ tấn công bên ngoài nhà thờ ở thành phố Nice, miền nam nước Pháp. Giới chức cho biết ba người đã thiệt mạng trong vụ tấn công, trong đó ít nhất một người bị cắt cổ. Nghi phạm liên tục hô "Allah Akbar" (đấng Allah vĩ đại) và đã bị cảnh sát bắt ngay sau đó.
Thị trưởng Christian Estrosi cho biết Tổng thống Emmanuel Macron sẽ sớm đến Nice. Ông Estrosi cũng kêu gọi các nhà thờ trên khắp đất nước tăng cường an ninh hoặc đóng cửa để đề phòng.
Pháp luôn cảnh giác cao độ với các cuộc tấn công khủng bố kể từ sau vụ tấn công văn phòng tạp chí trào phúng Charlie Hebdo hồi tháng 1/2015, khiến 12 người thiệt mạng. Một làn sóng tấn công của các phần tử cực đoan ở Pháp đã khiến hơn 250 người thiệt mạng kể từ năm 2015.
Thầy giáo Pháp Samuel Paty hôm 16/10 bị chặt đầu bên ngoài trường trung học Bois d'Aulne, nơi ông làm việc, sau khi cho học sinh xem tranh biếm họa về nhà tiên tri Mohammed. Nghi phạm Abdullakh Anzorov, 18 tuổi, khi ra tay với thầy giáo Paty cũng hô lớn "Allah Akbar".
Làn sóng biểu tình phản đối Pháp và Tổng thống Macron gần đây lan rộng sau khi ông khiến nhiều quốc gia theo Hồi giáo tức giận vì nói rằng đạo Hồi là tôn giáo đang khủng hoảng trên toàn cầu và ủng hộ xuất bản tranh biếm họa nhà tiên tri Mohammed, điều cấm kỵ đối với đạo Hồi.
Hơn 40.000 người đã tham gia cuộc biểu tình phản đối được Islami Andolon Bangladesh, một trong những đảng Hồi giáo lớn nhất nước này, tổ chức hôm 26/10 và gọi Pháp là "kẻ thù của người Hồi giáo".
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan kêu gọi người dân nước này tẩy chay hàng hóa Pháp. Ông trước đó chỉ trích người đồng cấp Pháp, nói rằng Macron nên "đi kiểm tra tâm thần" vì cách đối xử với người Hồi giáo.
Huyền Lê (Theo AFP, Alarabiya)