Lươn là một con vật quen thuộc trong đời sống của người nông dân nơi làng quê. Vào những ngày nông nhàn, người dân thường đi bắt lươn dọc theo những con lạch, đầm lầy. Theo kinh nghiệm dân gian thì nơi nào có nhiều bùn nơi đó sẽ có lươn sinh sống.
Lươn nướng lá chanh là món ăn thơm ngon rất hấp dẫn. Ảnh: Khánh Hòa. |
Thịt lươn có tính mát lành, tác dụng bồi bổ khí huyết, tăng cường dương khí, giúp máu huyết lưu thông, giảm trừ phong thấp... Thịt lươn được chế biến thành nhiều món ăn như miến, cháo, nấu lẩu, lươn bằm xúc bánh đa, lươn nướng... Trong những buổi chiều trời trở gió thì thịt lươn nướng là món ăn thích hợp nhất. Những miếng thịt lươn tỏa hương thơm ngào ngạt trên bếp than hồng đem đến sự ấm áp và ngon miệng cho người ăn.
Chế biến lươn nướng đơn giản và không mất nhiều thời gian. Cái khó nhất là làm sạch chất nhầy trên thân lươn. Bạn có thể cho lươn vào nồi, chà xát với muối, sau đó dùng các loại lá như lá mướp, lá bí ngô hoặc rơm khô để tuốt sạch nhớt từng con. Ngoài ra bạn cũng có thể sử dụng tro bếp, giấm hoặc chanh để làm sạch lươn.
Những miếng thịt lươn được nướng chín vàng nhìn thật hấp dẫn. Ảnh: Khánh Hòa. |
Để lươn không có vị tanh, người ta không bao giờ sử dụng dao mà thay bằng một thanh cật tre mỏng vót nhọn. Chọc thanh tre vào rốn lươn, róc ngược từ đuôi lên đầu, móc bỏ ruột. Không được rửa lại bằng nước vì như thế thịt sẽ tanh, chỉ cần dùng giấy sạch hoặc khăn mềm thấm khô lươn là được.
Lóc lấy xương sống lươn, thái thành từng miếng vừa ăn, ướp với các loại gia vị như muối, tiêu, đường, bột ngũ vị hương... Để thịt lươn khoảng 10 phút cho thấm gia vị, sau đó cho lên vỉ, rắc lá chanh thái nhỏ lên trên và nướng trên bếp than hồng.
Món ăn sẽ thêm đậm đà với thức chấm cay nồng. Ảnh: Khánh Hòa. |
Trong quá trình nướng, thỉnh thoảng thoa ít dầu lên thịt lươn, lật đều vỉ nướng để chín đều. Khi lớp da bên ngoài chín vàng, cùng hương thơm nức bốc lên thì thịt lươn đã chín, gắp ra đĩa cùng với ít ngò om. Món ăn sẽ đậm đà và tròn vị hơn khi ăn kèm với chén muối ớt cay nồng.
Khánh Hòa