Tục lệ làm đám cưới với ma được cho là xuất hiện lần đầu ở đời nhà Tần (221 – 206 trước Công nguyên), Trung Quốc. Tuy nhiên mới chỉ xuất hiện các bằng chứng về tục lệ này từ triều đại nhà Hán (206 trước Công nguyên – 220 sau Công nguyên). Ý nghĩa của tục lệ này là nếu một người đàn ông hay phụ nữ chết trước khi lập gia đình, họ vẫn có vợ hoặc chồng ở thế giới bên kia để tiếp tục duy trì dòng dõi.
Hình thức phổ biến nhất của một đám cưới ma là kết duyên cho một người phụ nữ và một người đàn ông đã chết. Hai người không cần phải đính hôn lúc còn sống. Người xưa tin rằng nếu một người chết mà chưa thành thân, anh ta hoặc cô ta sẽ ám cả gia đình cho tới khi được tổ chức một đám cưới.
Người cổ tin rằng hậu quả của việc bị ma ám có thể là tán gia bại sản hoặc làm mất danh tiếng dòng họ. Do đó, họ cho rằng đám cưới ma không chỉ đơn thuần là một nghi lễ dành cho người chết, nó còn mang lại cả lợi ích cho các thành viên còn sống của gia đình.
Đám cưới ma cho người sống
Cũng có những trường hợp đám cưới mà mà cô dâu hoặc chú rể vẫn còn sống. Ví dụ nếu người đàn ông chết trẻ, vợ sắp cưới của ông ta vẫn sẽ làm đám cưới với một người đàn ông khác đóng vai ông ta trong lễ cưới. Người phụ nữ sẽ vừa được chia tài sản và được gia đình nhà chồng bảo vệ, vừa không phải mang tiếng xấu ế chồng, một định kiến rất nghiêm trọng với phụ nữ trong văn hóa Trung Quốc cổ đại.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nếu một phụ nữ độc thân chết trẻ, cô ấy có thể sẽ không có một lễ tang và một bàn thờ, do quan niệm đó là trách nhiệm của gia đình nhà chồng, không phải của bố mẹ đẻ. Một người đàn ông cũng có thể chấp nhận kết hôn với một phụ nữ sớm qua đời, tuy nhiên có rất ít bằng chứng tìm được về kiểu hôn nhân này. Do tư tưởng trọng nam khinh nữ, người đàn ông luôn có được sự đảm bảo chôn cất sau khi chết, họ cũng có được sự tự do lớn hơn trong cuộc sống, không phân biệt độc thân hay kết hôn.
Trung Quốc không phải là nơi duy nhất có tục lệ kết hôn với người chết. Trong Thế chiến I, một tục lệ tương tự đã được công nhận tại Pháp, nơi những phụ nữ mất chồng chưa cưới trong chiến tranh vẫn muốn làm đám cưới với những người lính này.
Phụ nữ Ai Cập cổ đòi quyền lợi bằng hợp đồng hôn nhân
Tục lệ này kéo dài 40 năm sau đó và được gọi với cái tên "kết hôn với người chết", khởi đầu bằng việc một người phụ nữ xin được kết hôn với người chồng chưa cưới mất trong một vụ tai nạn. Tục lệ này từng được quy định trong Luật hôn nhân của Pháp.
Nhiều nền văn hóa khác cũng có tục lệ này, như bộ lạc Nuer ở Sudan. Trong bộ lạc này, anh em trai của chú rể đã mất sẽ thế vai chú rể lấy cô dâu. Nếu hai người sinh con, đứa con sẽ được coi là hậu duệ của người đã chết và vợ, chứ không phải của người anh em còn sống.
Khái niệm về đám cưới ma dù khá kỳ lạ nhưng nó vẫn tồn tại trong thực tế. Nó thể hiện tình cảm của người còn sống với người bạn đời xấu số, phần nào làm lu mờ ý nghĩa gốc của tục lệ này ở Trung Quốc cổ đại.
Tục lệ này đã thay đổi theo thời gian để thích nghi với xã hội, dù rằng tục lệ gốc hiện vẫn được duy trì ở một số vùng nông thôn Trung Quốc. Gần đây thậm chí còn ghi nhận các trường hợp đào mộ người chết lên để bán làm cô dâu ma bất hợp pháp.
Nguyễn Thành Minh (theo Acient Origins)