Ông Hồ Văn Thắng (70 tuổi) nắm tay bà Phạm Thị Thịnh vừa tiến về sân khấu, nơi có tấm phông đề tên hai người thì một đứa cháu reo lên: "A, cô dâu, chú rể già quá!". Những người xung quanh cười rộ. Hai bên má dù đã lõm sâu do dấu vết bạo bệnh cảu bà Thịnh đỏ lên. Ông Thắng bật cười, kéo vợ lại gần bảo: "Con bé này bậy. Ông bà trẻ đẹp như 20 tuổi".
Ở phía dưới, con, cháu, chắt - cả dâu, rể cười nói líu lo. Họ hào hứng gọi vợ chồng ông lão nhìn về phía mình để chụp ảnh, khi màn trao nhẫn, cắt bánh diễn ra. Đó là "đám cưới vàng", kỷ niệm 50 thành vợ chồng của ông Thắng và bà Thịnh.
"Ngày xưa, đi khắp làng mới mượn được một cái bàn về làm đám cưới. Giữa mùa mưa, nên cô dâu, chú rể phải xắn quần lên quá đầu gối. Giờ được tổ chức hoành tráng thế này, bà ấy ngại thôi chứ khoái lắm", ông Thắng nói.
Đám cưới vàng của vợ chồng ông có hơn 30 mâm cỗ. Riêng các con, cháu, chắt cả dâu, rể tổng cộng 24 người, ngồi đủ bốn mâm, còn lại là họ hàng, bạn bè, hàng xóm.
Vợ chồng ông Thắng có với nhau bốn mặt con, hai trai, hai gái, sống nhờ đồng ruộng và nghề sản xuất chăn, gối. Năm 1995, bà Thịnh bị phát hiện ung thư vòm họng giai đoạn đầu, giữa lúc ba con vẫn đi học. Thời điểm đó, ung thư với mọi người đều là án tử, bà Thịnh khóc suốt.
Bà giục chồng con đi cúng bái, vì nghĩ mình "bị người âm bắt đi". Ông Thắng nghiêm mặt bảo vợ "bà xấu thế kia ai dám bắt", làm bà và các con đang rối như tơ vò cũng phải bật cười. Nhưng đêm đó ông thức trắng.
"Tôi nghĩ đến cảnh 3 đứa con chưa chồng, chưa vợ thì gia đình đã không trọn vẹn mà xót xa. Nhìn bà ấy rên rỉ vì đau đớn, hoảng loạn, tôi lại càng lo lắng hơn. Nhưng là trụ cột gia đình, tôi dặn mình phải bình tĩnh thì vợ con mới vững tâm được", ông nói.
Hàng tuần, ông Thắng chạy xe máy hơn 20 km chở vợ từ nhà lên bệnh viện K (phố Quán Sứ, quận Hoàn Kiếm) điều trị. Dọc đường, ông huyên thuyên đủ chuyện, cốt để vợ thoải mái khi gặp bác sĩ. "Các con bảo đèo đi bà ấy không chịu đâu, nhất định phải chồng đèo đi mới yên tâm cơ", ông nhìn vợ cười nói.
Vừa điều trị ở viện, tháng đôi lần, ông Thắng chạy xe máy hàng trăm km từ Hà Nội về các huyện miền núi ở Ninh Bình, Thanh Hóa lấy thuốc nam, thuốc bắc cho vợ uống. Đất đai, tiền bạc tổng hơn 200 triệu đồng, được ông bà tích cóp từ ngày trẻ, đều đổ vào tiền thuốc cho bà Thịnh.
Năm 2005, căn bệnh khiến hai bên má của bà Thịnh lở loét, không thể ăn cơm, không nói được. Bác sĩ khuyên gia đình nên đưa bà về nhà, "sống được ngày nào, hay ngày đó". Gia đình người yêu cô con gái thứ ba của ông bà xin cưới, vì lo điều không hay sớm xảy ra.
Ông Thắng động viên vợ "mọi thứ đều đã có số phận an bài". Tuy nhiên, ông không để yên cho số phận định đoạt.
Hàng ngày, ông nấu cháo, xay nhuyễn cơm cho vợ ăn. Ở tuổi 55, ông nghe ở đâu có thuốc tốt, đều đến tìm mua. Hàng đêm, ông giã thuốc, đắp cho vợ, lau chùi, vệ sinh vết lở loét trên da. Vốn không tin vào thế giới tâm linh, nhưng hàng chục lần ông sắm lễ lên chùa cầu bình an cho bà.
"Các con còn phải lo làm ăn, nên chăm sóc bà ấy là trách nhiệm của mình. Sống với nhau là phải trọn nghĩa, trọn tình. Bà ấy còn sống được ngày nào, còn nuôi hy vọng ngày đó ", ông Thắng tự nhủ với lòng mình.
Bữa cơm, dù các con ngồi cạnh động viên, bà Thịnh vẫn không chịu ăn. Chồng bà tỏ vẻ bực bội "Tôi đẹp trai ngời ngời thế này có khối cô theo. Bà không ăn, nằm đấy tôi lấy vợ hai đừng có khóc". Hai cô con gái vun vào: "Đấy, mẹ nằm đấy bố đi với người khác lại khổ ra". Bà Thịnh bật cười, rướn người để chồng đút cho ăn. Chị Hồ Thị Huế, 42 tuổi, con gái thứ ba của ông Thắng kể: "Bố tôi lúc nào cũng hài hước lạc quan. Biết mẹ hay ghen nên ông toàn trêu bà".
Vết lở loét ở hai bên má của bà Thịnh ngày càng sâu, có mùi khó chịu. Nhiều người đến thăm, nhưng ngại đến gần. Còn ông Thắng, tối nào cũng ôm vợ ngủ đến sáng. Nhiều lần bà Thịnh hỏi chồng "mùi khó chịu lắm phải không", ông xua tay "tôi chả thấy mùi gì cả".
Tinh thần vui vẻ, lại chăm chỉ thuốc thang, điều trị sức khỏe của bà Thịnh ngày một tốt lên, nói chuyện lại được. Mười năm trước, ông đèo vợ lên bệnh viện tái khám, các bác sĩ kết luận, tế bào ung thư không còn.
Bằng giọng lơ lớ do di chứng của ung thư vòm họng, bà Thịnh bảo: "Bây giờ tôi khỏe rồi. Không biết do chồng chăm tốt hay do uống nhiều thuốc đông y, tây y nữa".
Trong đám cưới vàng của ông bà, những người ngạc nhiên nhất có lẽ là những đứa cháu. Anh Nguyễn Khánh, cháu ngoại của ông Thắng kể: "Trước đây, gia đình lo lắng không biết bà có sống được đến đám cưới dì ba không, nhưng bà đã vượt qua được. Rồi cả nhà lại nghĩ không biết đám cưới cậu út có mặt bà không. Thế mà giờ này, ông bà đã có ba đứa chắt nội ngoại, làm 'đám cưới vàng' cho chính mình đấy".
Giờ đây, thay vì được chồng bón cháo cho ăn, hàng ngày, bà Thịnh có thể đi chợ nấu ăn cho hai ông bà và chăm sóc mẹ chồng hơn 90 tuổi.
Có khách đến nhà, nghe bà Thịnh nói không hiểu, chồng bà lại đứng ra làm "phiên dịch". "Trước bà ấy không nói được, nhưng chỉ khua tay tôi cũng hiểu. Ngoài nghe bằng đôi tai như người bình thường, tôi còn nghe bằng sự thấu hiểu", ông nhìn người vợ, vốn đôi tai không còn nghe rõ, cười.
Phạm Nga