Đám cưới Liu Chang và Jia Shihan được ấn định diễn ra vào ngày 19/3 ở Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc, phía bắc Trung Quốc. Theo kế hoạch, người chồng sắp cưới phải đến nhà hôn thê từ 6h để rước dâu theo phong tục của người Trung Quốc.
Cô Liu sáng hôm ấy thức giấc với cuộc gọi từ hôn phu, báo tin rằng khu chung cư của anh vừa nhận lệnh phong tỏa do Covid-19 và anh không thể ra khỏi nhà. Ngay sau khi cúp máy, cô dâu lập tức gom hết váy, giày và toàn bộ đồ dùng cần thiết cho đám cưới rồi lên đường sang nhà chú rể.
"Tôi cũng không kỳ vọng mình có thể tổ chức đám cưới trong hôm nay. Tuy nhiên, nhân viên phòng chống dịch bảo rằng tôi có thể vào chung cư nếu không trở ra ngoài. Tôi chẳng hình dung nổi đám cưới sẽ diễn ra như thế nào, nhưng cứ đi liền bây giờ trước đã", Liu nói trong video được cô chia sẻ trên Douyin hôm đó.
Bảo vệ tòa nhà đồng ý mở cổng cho Liu vào chung cư với những điều kiện báo trước. Cô và Jia hạnh phúc ôm chầm lấy nhau.
Việc đầu tiên cặp đôi cần làm là xếp hàng lấy mẫu xét nghiệm PCR. Không lâu sau, đôi tân lang tân nương bái đường trước sự chứng kiến của gia đình và hàng xóm chú rể.
Liu cho biết cô và chồng tìm vội trên mạng cách tổ chức đám cưới và nhờ một người cô sống trong cùng căn chung cư làm chủ hôn. Dù buổi lễ diễn ra đơn giản, Liu cảm thấy vô cùng hạnh phúc.
Video ghi lại đám cưới đặc biệt giữa cô dâu Liu Chang và chú rể Jia Shihan được đăng tải ngày 21/3 trên mạng xã hội Weibo đã có hơn 280 triệu lượt xem. Nhiều người chia sẻ họ cảm động vì tinh thần lạc quan của Liu, cũng như đám cưới đặc biệt giữa đại dịch.
Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc, là một trong những trung tâm sản xuất thép lớn nhất Trung Quốc. Thành phố với hơn 3,6 triệu người ngày 20/3 phải dừng hoạt động giao thông và sản xuất trên diện rộng để xét nghiệm Covid-19 toàn dân sau khi phát hiện một số ca nhiễm trong cộng đồng.
Trung Quốc đang ứng phó làn sóng lây nhiễm mới trong cộng đồng vì biến chủng Omicron, áp dụng linh động chiến lược "không Covid-19" để khống chế ca nhiễm và duy trì sản xuất. Trung Quốc ngày 21/3 ghi nhận hơn 2.200 ca nhiễm có triệu chứng và hơn 2.300 ca nhiễm không triệu chứng, trong đó tỉnh Cát Lâm với hơn 24 triệu dân tiếp tục là điểm nóng nhất cả nước.
Tổng cộng hàng chục triệu người Trung Quốc ở các địa phương đang chịu lệnh phong tỏa, giới chức nước này đang tìm cách bố trí giường bệnh và lo ngại dịch bùng phát có thể làm quá tải hệ thống chăm sóc y tế.
Trung Nhân (Theo SCMP)