Đầu tháng 5, Feng Linrui, 28 tuổi tổ chức đám cưới ở thành phố An Sơn, tỉnh Liêu Ninh. Cặp vợ chồng trẻ quyết định áp dụng tiêu chí "ba không": không rước dâu, không có phù dâu/ phù rể và không có xe hoa sang trọng.
Cô dâu 28 tuổi cũng muốn cắt nghi thức bố dắt tay con gái lên sân khấu, lược bỏ phần chú rể tuyên bố tình yêu trước mặt khách mời.
Theo nữ nhân viên văn phòng, đây là chuyện riêng tư của cặp đôi không nhất thiết phải chia sẻ với bên ngoài. Đặc biệt 90% khách mời là bạn của bố mẹ, số bạn bè của cô và chồng không lấp đầy một bàn tiệc. Vậy ai thực sự sẽ quan tâm đến những gì đang diễn ra trên sân khấu?
"Các hủ tục như 'chặn cửa nhà gái', tìm và mang giày cho cô dâu hay để cô dâu ngồi trên giường chờ chú rể đến đón đều không cần thiết, là hủ tục lỗi thời", Feng nói.
Nhiều người trẻ ở nước này cũng hưởng ứng phong cách tổ chức hôn lễ tối giản, loại bỏ hủ tục chơi khăm tồn tại lâu đời. Không ít cô dâu, chú rể còn tự dẫn chương trình cho đám cưới, không thuê váy cưới, dịch vụ trang điểm hay chụp ảnh.
Theo mong muốn cá nhân, các đôi trẻ đang mạnh dạn giảm thiểu tối đa các nghi lễ truyền thống, tổ chức hôn lễ đơn giản với "3 không", "4 không", thậm chí "5 không".
Vợ chồng Feng không thích phong tục đám cưới truyền thống vì quá phức tạp nên trì hoãn thời gian dài, dù đã đăng ký kết hôn. Nhưng để hài lòng bố mẹ hai bên, họ đã thỏa hiệp và tổ chức một đám cưới đơn giản.
Dù loại bỏ các nghi thức không cần thiết nhưng đám cưới của Feng vẫn tiêu tốn 60.000 tệ (212 triệu đồng), thấp hơn nhiều so với mức trung bình nhưng vẫn là khoản tiền lớn với những người mới đi làm.
Báo cáo năm 2023 của Youth36kr, đơn vị nghiên cứu về giới trẻ Trung Quốc, cho biết chi phí trung bình cho đám cưới của người trẻ nước này là 147.500 tệ. Tuy nhiên đa số người trẻ cho rằng 30.000-50.000 tệ là hợp lý hơn.
Thậm chí một cặp vợ chồng ở Gia Hưng, tỉnh Chiết Giang, nhận nhiều lời ngợi khen khi vừa tổ chức đám cưới chỉ tốn 5.000 tệ.
Tiền cưới hỏi đắt đỏ, thời gian chuẩn bị kéo dài cùng phong tục lỗi thời khiến nhiều người ngại kết hôn, góp phần gia tăng tình trạng tỷ lệ sinh giảm của nước này.
Yang Ziyu, 29 tuổi, đã đăng ký kết hôn vào năm ngoái nhưng không định tổ chức đám cưới. Cô cùng chồng chỉ thuê dịch vụ chụp hình ghi lại khoảnh khắc nhận giấy chứng nhận kết hôn.
"Tôi không phải người nổi tiếng cần xây dựng mạng lưới quan hệ thông qua đám cưới. Công việc đã đủ áp lực và tôi không muốn mất thời gian vào điều này", Yang nói.
Kết quả nghiên cứu thực hiện bởi trung tâm khảo sát xã hội của China Youth Daily cho thấy gần 80% người trẻ ủng hộ xu hướng đám cưới tối giản. 60% cho rằng sự phổ biến của những đám cưới này phản ánh mong muốn về cá tính và tự do của thế hệ trẻ.
Nhà xã hội học Trung Quốc Ai Jun cho rằng sự đơn giản không phải là phủ nhận đám cưới truyền thống. Đây là cơ hội quay trở lại với ý nghĩa của đám cưới thực sự.
Theo ông, đám cưới truyền thống Trung Quốc không rập khuôn và hầu hết gia đình tổ chức lễ cưới tùy theo khả năng kinh tế, chú trọng vào một phong tục cần thiết. Đám cưới phung phí và xa hoa là hình ảnh của giới giàu có và quyền lực.
Minh Phương (Theo Think China)