Đúng 12h trưa ngày 1/12, chú rể Hoàng Nam mặc vest ngồi giữa sân khấu cùng bộ trống và các thành viên khác của ban nhạc bắt đầu chơi bài "Lý ngựa ô" để chào đón khách.
Sau lời giới thiệu của MC, cô dâu Thúy Quyên được bố dắt tay lên lễ đường trong giai điệu du dương của đàn tỳ bà do chị gái cô dâu biểu diễn, tiễn em gái đi lấy chồng.
Đám cưới của cặp đôi cùng là thành viên của ban nhạc Nam Tộc khiến tất cả quan khách ngỡ ngàng, phấn khích bởi không có những thủ tục như rót rượu, cắt bánh hay trao nhẫn giống một hôn lễ thông thường. Mọi người liên tiếp được thưởng thức những tiết mục âm nhạc do cô dâu, chú rể, bố mẹ cô dâu, chú rể, người thân và bạn bè của họ trực tiếp biểu diễn. Những tiết mục chỉ bị gián đoạn vài phút khi một món mới của bàn tiệc được phục vụ.
Chú rể Hoàng Nam, 32 tuổi, cho biết ban nhạc của vợ chồng anh theo đuổi dòng nhạc Folk rock (rock dân gian). Anh là trưởng nhóm, chơi trống còn vợ chơi đàn tranh.
Họ gặp gỡ và yêu nhau trong thời gian hoạt động nhóm nên khi quyết định về chung một nhà, cả hai ấp ủ ý tưởng tổ chức đám cưới như một buổi concert thu nhỏ.
Để chuẩn bị cho đám cưới, vợ chồng Nam đã lên ý tưởng và tập duyệt các tiết mục trước khoảng một tháng. Kịch bản, nội dung và các tiết mục biểu diễn trong đám cưới do cô dâu và chú rể cùng bàn bạc, lên kế hoạch sau đó liên lạc với từng người thân, bạn bè gửi lời mời tham gia biểu diễn. Phần khung chính của buổi lễ gồm hơn 10 tiết mục và một số tiết mục ngẫu hứng của cô dì, chú bác từ xa tới.
Sau lễ rước dâu tổ chức tại nhà riêng, bà Vân Anh (mẹ chú rể) Nam sẽ tới nơi tổ chức tiệc trước vài tiếng để kiểm tra lại phần âm thanh, ánh sáng, tổng duyệt sân khấu, sắp xếp nhạc cụ cũng như phần trang trí, dịch vụ tiệc.
Trong buổi lễ, phía nhà trai, bố mẹ Nam dành tặng những ca khúc độc tấu đàn bầu như Mẹ yêu con, God father, Vó ngựa phi vân...
Về phía nhà gái, chị cô dâu Thúy Quyên cũng thể hiện tài năng với đàn tỳ bà còn người dì là ca sĩ Lệ Hằng cũng "cháy hết mình" với bài "Ngựa ô thương nhớ". Xuyên suốt buổi tiệc đều là các bài rock dân gian, kết hợp giữa nhạc cụ dân tộc và hiện đại như đàn tranh, đàn tỳ bà, sáo trúc, trống, guitar, bass.
"Sau một món ăn chúng tôi sẽ dừng lại để cho phần âm nhạc, làm vậy thì khách mời có thể trọn vẹn thưởng thức phần biểu diễn cũng như tận hưởng bầu không khí lúc đó", Nam nói.
Mẹ Nam, nghệ sĩ đàn bầu Vân Anh vừa chơi nhạc vừa khóc vì xúc động. Bà nói hạnh phúc khi con trai cũng theo đuổi âm nhạc nối nghiệp gia đình. Đây là lần đầu tiên bà được cùng người thân hai bên và bạn bè, đồng nghiệp diễn chung một sân khấu trong khoảnh khắc thiêng liêng của cuộc đời con trai mình.
Video đám cưới theo phong cách đại nhạc hội của Hoàng Nam và Thúy Quyên sau đó được chia sẻ trên mạng xã hội, thu hút hàng chục triệu lượt xem và lời chúc phúc, khen ngợi của những người xa lạ.
"Tôi xúc động khi đám cưới của mình thăng hoa cảm xúc hơn nhờ những phần âm nhạc, đặc biệt hơn là do chính người thân của cả hai dành tặng", chú rể 32 tuổi nói.
Nga Thanh