"Đám cưới" được sư thầy Thích Định Tánh, người lập ra mái ấm Mây Ngàn, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh, chủ trì. Sư thầy sẽ tổ chức một bữa cơm tất niên, gồm 140 cụ già neo đơn ở mái ấm, và ra tuyên bố.
"Ngày hôm nay, căn duyên ông trời tiền định, hai ông bà gặp nhau ở đây và thương nhau. Từ nay tôi tuyên bố ông Liêm và bà Trang là vợ chồng, đề nghị không ai chọc ghẹo hai ông bà", thầy Định Tánh tập dượt cho bài phát biểu vào 29 Tết (tức 23/1).
Tới lúc đó, ông Liêm và bà Trang không phải ở chung phòng với các cụ khác tại khu nam và khu nữ trong nhà tập thể, mà chuyển ra căn nhà nhỏ bằng tre lá phía gần bờ rạch "cho mát mẻ".
Ông Liêm quê ở huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương. Ông mắc thuỷ đậu hồi mười mấy tuổi, bị mù cả hai mắt. Ông Liêm không có gia đình, đi bán vé số lang thang nhiều năm. Năm 2004, khi sức yếu, ông nghe người ta giới thiệu, nhờ xe ôm chở tới mái ấm xin tá túc. Ông rất hiền, ai hỏi gì ông chỉ cười.
Bà Trang từng là giáo viên ở quận 5, TP HCM. Bà đẹp, nhiều người theo mà "không ưng ai hết". Bà Trang ở vậy nuôi cha mẹ. Đến hơn 70 tuổi, cuộc sống trong phòng trọ ở thành phố quá cô đơn, bà xin vào ở mái ấm từ đầu năm 2019. Gặp ông Liêm, bà thương lúc nào không hay bởi cái tính "lành như cục đất". Hàng ngày bà Trang giặt quần áo, đi lĩnh cơm về phòng cho ông Liêm ăn.
Một thời gian sau, bà Trang thưa với sư thầy: "Thầy ơi, gặp ổng tui thấy thương quá, xin thầy cho chúng tôi kết hợp để được ở chung nhà". Thầy Tánh hỏi ông bà nghĩ kỹ chưa, nếu thuận tình sư thầy sẽ tổ chức lễ tuyên bố. Thầy muốn tổ chức lễ tuyên bố vào ngày Tết, "vì đó là mùa xuân".
Ngày 10/1, ông Liêm bà Trang cùng gần 140 cụ già neo đơn, bại liệt, khuyết tật, 8 người tâm thần và 77 em nhỏ mồ côi, khuyết tật đã nhận quà Tết từ độc giả VnExpress thông qua quỹ Hy vọng, với sự đồng hành của Vietlott trong chương trình tặng quà Tết 2020. Ông Liêm bà Trang đều được nhận mỳ tôm, gạo nếp, gạo tẻ, bánh kẹo, dầu ăn, nước tương và tiền lì xì. Không như các cụ già khác, ông bà bán lại gạo và mỳ tôm cho thầy Tánh, lấy tiền để dành qua Tết về một nhà. Thầy sẽ cho gia đình mới cái bếp ga mini để nấu ăn riêng.
Bà Trang tâm sự, mọi năm đến Tết chẳng có nơi đâu để về. "Nay ông bà đã có quê, là mái ấm này, cùng các bạn già và người bạn đời gặp nhau ở tuổi hoàng hôn. Chết thì được nằm dưới đất mẹ, thế là mãn nguyện", bà nói.
Trước khi lập ra mái ấm Mây Ngàn, năm 1991 thầy Tánh ban đầu dẫn bốn người lang thang cơ nhỡ và ba trẻ mồ côi về nuôi tại một ngôi chùa ở TP HCM. Sau đó thầy lên Tây Ninh, mua hai hecta đất sình lầy và cất dần lên những ngôi nhà lá nhỏ.
Thầy Tánh tâm sự: "Nhờ những tấm lòng của người có tóc nên người đầu trọc mới hoàn thành được tâm nguyện, mái ấm đã thành sự thật". Ngôi nhà lá nhỏ ngày nào đã trở thành mái ấm đủ rộng cho bao cảnh đời bất hạnh. Mỗi ngày, sư thầy phải lo 120 kg gạo và tiền thức ăn cho 225 người, với tổng chi phí gần 3 triệu đồng, chưa kể chi phí chữa bệnh hay ma chay cho các cụ già, chi phí đưa đón các bé đi học, học phí, tiền sữa và thuốc men...
Dưới mái nhà chung, tình người lan toả át đi nỗi buồn tủi bị bỏ rơi của người già, trẻ nhỏ. Ngoài ông Liêm bà Trang, trước đó có 4 cặp được thầy Tánh tác hợp để họ có mùa xuân của tuổi già. Những trẻ mồ côi thế hệ đầu tiên ở đây cũng đang đi học đại học và sẽ quay lại giúp việc cho mái ấm.
Tới thăm Mây Ngàn ngày giáp Tết, bà Trương Thanh Thanh, Chủ tịch quỹ Hy vọng, chia sẻ rằng trên con đường thiện nguyện mà Quỹ cùng độc giả VnExpress, các doanh nghiệp đang đi, bà đã gặp rất nhiều tấm lòng nhân ái. Bà cảm ơn những đóng góp của độc giả và doanh nghiệp đã đem tới niềm vui cho hàng nghìn người Tết này.
Quỹ Hy vọng