Giữa tháng 6, anh Nguyễn Hồng Hiệp (cháu nội hai cụ) ở thôn Thái Bình, xã Vạn Thái, huyện Ứng Hòa chia sẻ lên mạng xã hội những hình ảnh và câu chuyện về lễ kỷ niệm 75 năm ngày cưới của cụ Gai và cụ Bơi đã khiến nhiều người xúc động và ngưỡng mộ. Bài viết nhận được hàng trăm bình luận và lượt chia sẻ.
Anh Hiệp cho biết mình là người lên kịch bản và đạo diễn chương trình, cùng các con cháu lên kế hoạch từ tháng 9/2022. Mọi người muốn bù đắp cho hai cụ vì dù đã cả đời bên nhau nhưng họ chưa có một đám cưới đúng nghĩa.

Cụ Nguyễn Văn Gai và Nguyễn Thị Bơi kỷ niệm 75 năm ngày cưới vào cuối năm 2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Dù kế hoạch lên đã lâu nhưng 10 ngày trước khi đám cưới diễn ra, hai cụ mới được thông báo về "một bữa tiệc linh đình". Tuy nhiên, cả hai đều mong muốn có một buổi lễ nhỏ gọn và ấm cúng.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, con trai trưởng chia sẻ bố mẹ không muốn các con tốn kém nên cuối cùng gia đình quyết định chỉ tổ chức trong quy mô nhỏ với những người thân thiết.
Sáng ngày 11/12/2022, trong sân nhà của hai cụ, sân khấu được dựng lên với tấm phông trắng nổi bật dòng chữ "Kỷ niệm 75 năm ngày cưới - Đám cưới kim cương- Cụ Gai, cụ Bơi". Giữa hai tên được nối bằng trái tim.
Trước đó, cụ Bơi được con gái, con dâu đưa đi trang điểm, vấn tóc còn cụ ông mặc vest ở nhà chờ. Đội ngũ dâu rể cùng hơn 30 cháu, người lo loa đài, phông bạt, người chạy cỗ bàn cũng như tiếp đón hàng xóm tới dự lễ.
Tới giờ tổ chức, bốn thế hệ gia đình hơn 70 người đều xúc động khi hai cụ nắm tay nhau bước lên vị trí trang trọng nhất trên sân khấu. Ngoài chụp ảnh kỷ niệm, cắt bánh, rót rượu, hai cụ còn phát phong bao chúc phúc cho cháu chắt.
Vì con cháu đông, sân nhà khá chật nên hàng xóm phải kéo cây cối quanh sân dạt sang hai bên để mọi người có thể đứng đủ một khung hình. Anh Hiệp chia sẻ dù ảnh đẹp nhưng chưa trọn vẹn vì vài người làm ăn xa. "Tôi mong một ngày sẽ có một bức hình đầy đủ con cái, dâu rể, cháu chắt được thực hiện", anh nói.

Người cháu rể chuẩn bị trang phục cho ông Nguyễn Văn Gai trước đám cưới. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Mỗi khi nhắc tới đám cưới hôm đó, cụ Gai cho biết vẫn rất "phấn khởi" còn cụ bà lại nhớ lại đám cưới nghèo cách đây hơn 75 năm khi cô dâu chỉ mặc chiếc áo nâu về nhà chồng, không lễ lạt, cỗ bàn, không khách khứa. "Cả hai khi đó mới 16 tuổi. Ông ấy tới nhà dắt tôi về vì người lớn đã nói chuyện trước đó chứ biết cưới xin gì đâu", cụ Bơi nói.
Sau 75 năm bên nhau, giờ cả hai đều cảm thấy mãn nguyện vì con cháu đã khôn lớn, nên người. Vợ chồng cụ luôn nghiêm khắc và tỉ mỉ trong việc giáo dục con cái. Bảy người con được rèn luyện từ cách ăn nói, đi đứng, cho đến đối nhân xử thế.
Người con trai trưởng kể, cách đây chục năm có lần người bán hàng trả nhầm 3.000 đồng mà mẹ khi đó đã ngoài 80 tuổi vẫn nhất định đi bộ hai km đến chợ trả lại. "Dù nghèo cũng không được tham lam", cụ Bơi giải thích hành động của mình và căn dặn các con.
Lúc còn khỏe, hai cụ giúp con trông nom và đưa đón các cháu đi học. Giờ có tuổi, họ sống riêng, xung quanh là nhà các con. Dù cuộc sống vợ chồng có lúc "cơm không lành, canh không ngọt" nhưng lại nhanh chóng bỏ qua cho nhau.
"Có lần hai cụ cãi vã, cụ bà dỗi sang nhà con ở. Hôm sau thấy ông ăn uống đạm bạc lại thương nên dọn về chăm ông", anh Hiệp kể. Ông nội anh là người nóng tính, còn bà lại nói nhiều nhưng hai cụ hiểu những khuyết điểm của nhau. Những lúc ông nóng giận, bà đi chỗ khác để tránh to tiếng. Còn lúc bà nói nhiều, ông lại tặc lưỡi cười "Kệ cho bà nói".
Từng ở chung với bố mẹ nhiều năm, ông Tuấn cho hay không ai hiểu bố và chiều bố bằng mẹ. Bà ít dám đi đâu xa vì thương ông ở nhà lủi thủi. Có món gì ngon lạ khi đi ăn cỗ cũng đều mang về cho chồng. "Tình cảm của bố mẹ khiến những người con như chúng tôi rất ngưỡng mộ", ông nói.

Con cháu cụ Gai và cụ Bơi chụp ảnh kỷ niệm nhân ngày kỷ niệm 75 năm kết hôn của hai cụ, tháng 12/2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Hiện tại, ngày mới của cụ Gai và cụ Bơi bắt đầu từ sáng sớm, cùng nhau tập thể dục quanh sân rồi ăn sáng. Muốn sức khỏe dẻo dai, hai năm trước ông bà vẫn tự phục vụ nhau, nhưng con cái muốn bố mẹ được nghỉ ngơi nên hiện tại thay nhau chăm sóc.
Tới bữa, cụ ông thường chọn miếng ngon gắp trước cho vợ. Còn cụ bà sáng nào cũng pha sẵn một ấm trà xanh nóng hổi để chồng được thưởng thức đồ uống yêu thích cũng như mời hàng xóm mỗi lúc sang chơi.
Khi đọc được bài viết về đám cưới kim cương của hai cụ, nhiều độc giả nêu cảm nghĩ: "Thật ngưỡng mộ tình yêu đẹp và đúng nghĩa đầu bạc răng long của ông bà".
Hải Hiền