Rạng sáng 11/3, Nguyễn Thành Trung (31 tuổi) đột nhập vào nhà anh Võ Tấn Hội (38 tuổi) ở huyện Cần Giuộc, Long An. Trung sát hại anh Hội, khi định cướp tài sản thì bị vợ nạn nhân đoạt dao đâm tử vong.
Vụ việc gây nhiều tranh luận, luật sư Lê Trung Phát (TP HCM), có bài viết chia sẻ:
Khi nhắc đến "Phòng vệ chính đáng" và "Vượt quá giới hạn của phòng vệ chính đáng" giữa một bên là "Không phải tội phạm" và một bên là "Tội phạm". Điều đầu tiên, chúng ta cần biết vấn đề này được quy định thế nào.
Khái niệm này được nhắc đến tại Khoản 1 Điều 22 BLHS 2015, theo đó: "Vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích của mình,của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước...mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên". Tại khoản 2 quy định nếu vượt quá giới hạn, thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định.
Khi đánh giá hành vi, thông thường người ta sẽ dựa vào hậu quả đã xảy để xem lại đâu là chống trả một cách cần thiết. Việc này rõ ràng là khó phân định, bởi khi một người nào đó rơi vào tình huống này, họ sẽ hành động theo bản năng để nhằm hạn chế thiệt hại với mình hoặc với người khác hoặc có thể làm chấm dứt hành vi vi phạm của người khác lên mình, bảo vệ lợi ích cho mình và cho người khác.
Trong khi đó, việc xem xét lại dựa vào định lượng mà cụ thể là hậu quả gây ra để xem xét đánh giá. Như vậy rất khó phân định, trong khi luật cũng không thật sự cấm việc chống trả cần thiết có thể để lại hậu quả lớn hơn hậu quả của nạn nhân gây ra cho mình.
Để thực sự có một cái nhìn và đánh giá một cách phù hợp, rõ ràng người có thẩm quyền cần phải đặt mình vào tình huống đã xảy ra, phân tích mọi yếu tố để kết luận hành vi gây hậu quả của người phòng vệ là hoàn toàn phù hợp, và họ là người không phạm tôi.
Theo tôi, các yếu tố sau cần phải được xem xét một cách toàn diện:
Có hành vi vi phạm pháp luật của nạn nhân (người gây thiệt hại cho người phòng vệ) hay không, hành vi này đang xâm phạm trực tiếp đến tài sản, sức khỏe, tính mạng... của bản thân người phòng vệ hoặc của người khác.
Hành vi vi phạm pháp luật rõ ràng là đã và đang xảy ra có có nguy cơ tiếp tục xảy ra, khiến người phòng vệ buộc phải có hành động cụ thể để ngăn chặn hành vi trái pháp luật.
Đánh giá toàn diện các yếu tố như: hành vi xảy ra liên tục, tính chất mức độ và tầm quan trọng của hành vi đang bị xâm phạm để buộc người phòng vệ phải hành động; đánh giá điều kiện lúc hành vi xảy ra, tương quan lực lượng (sức khỏe, giới tính, hung khí...) để xem xét sự đáp trả là điều cần thiết.
Chúng ta không nên đưa ra các giả thuyết như: tại sao không bỏ chạy, tại sao không la lớn để kêu gọi người xung quanh giúp đỡ. Bởi trong một số tình huống cụ thể, người bị tấn công buộc phải phòng vệ nếu họ bỏ chạy hoặc báo động, thì nguy cơ nạn nhân còn gây hại cho người ta nhiều hơn, bởi đó chính là tâm lý của tội phạm (giết người để bịt đầu mối, kích động để chúng thực hiện hành vi đến cùng).
Thiết nghĩ, nhà làm luật cần hơn nữa, sự hướng dẫn cụ thể cho tình tiết này, bởi nếu không thì ranh giới giữa "không phải là tội phạm" với "tội phạm" rất mong manh. Trong khi chúng ta đang phải chứng kiến rất nhiều các vụ án, kẻ trộm, cướp rất manh động, thủ đoạn. Chúng không chỉ đánh trả người thường mà còn đánh trả các lực lượng có chức năng khi truy bắt. Có như vậy, người dân sẽ yên tâm hơn trong việc làm việc chính nghĩa, hành động để bảo vệ lợi ích của mình và người khác. Chúng ta cũng không còn phải chứng kiến các vụ án kẻ trộm đột nhập tấn công chủ nhà, chủ nhà vẫn bị kết án tù, hoặc các vụ án tương tự...
Và cũng chính vì thế, khi sự rõ ràng chưa thật sự rõ, người dân cũng nên bình tĩnh trong việc đưa ra các hành động đáp trả, nếu chúng ta thật sự có nhiều sự lựa chọn trong các tình huống của mình.