Văn phòng Chủ tịch nước sáng 6/4 tổ chức lễ công bố Pháp lệnh Trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Người nghiện ma tuý từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc khi: Không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt cai nghiện ma tuý tự nguyện; bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma tuý trong khi cai nghiện tự nguyện; người nghiện ma túy các chất dạng thuốc phiện không đăng ký, không thực hiện, tự ý chấm dứt điều trị hoặc vi phạm quy định về điều trị nghiện.
Phó chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Du đánh giá tình trạng người chưa thành niên sử dụng trái phép chất ma túy ngày một gia tăng, trong đó có trẻ em lang thang, cơ nhỡ. Hiện nay, việc cai nghiện tự nguyện không hiệu quả, hoặc người đăng ký cai nghiện, nhưng bị phát hiện tiếp tục sử dụng ma túy. Cai nghiện bắt buộc cho người dưới 18 tuổi bị bỏ ngỏ thời gian dài, gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội.
Trong quá trình nghiên cứu, xây dựng pháp lệnh, ông Du cho hay TAND Tối cao đã phối hợp các cơ quan để đánh giá tác động; rà soát cơ sở cai nghiện để đáp ứng yêu cầu trang thiết bị, phương tiện, chuẩn bị cho việc thi hành pháp lệnh này.
Điều 21 của Pháp lệnh nêu, phiên họp xem xét, quyết định đưa trẻ từ đủ 12 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được tổ chức thân thiện, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người được đề nghị cai nghiện bắt buộc.
Nói kỹ hơn về yếu tố "thân thiện", Phó chánh án TAND Tối cao khẳng định nội dung buổi họp không có tính chất "phán xử" như mô hình phiên tòa. Mục tiêu là xem xét các yếu tố, đưa ra quyết định phù hợp để bảo vệ quyền và lợi ích của người nghiện ma túy trong độ tuổi này.
Thẩm phán sẽ mặc quần áo hành chính thay vì áo choàng như tại các phiên tòa bình thường; không gian làm việc sẽ khép kín, tại bàn lớn. Chủ tọa, thẩm phán phải nắm rõ tâm, sinh lý của trẻ chưa thành niên, đặt các vấn đề, câu hỏi gần gũi, tế nhị để làm rõ hoàn cảnh của trẻ.
Trong quá trình đưa ra quyết định, Tòa án và thẩm phán được tham vấn ý kiến chuyên gia y tế, tâm lý, giáo dục, xã hội học, đại diện cơ sở giáo dục để làm rõ tình trạng của người bị đề nghị. "Đây là thách thức mới, TAND Tối cao đang bổ sung nguồn lực, trong đó chú trọng công tác đào tạo thẩm phán để thi hành hiệu quả pháp lệnh này", ông Du nói.
Pháp lệnh Trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 24/3.
Theo thống kê của Bộ Công an từ năm 2016 đến tháng 9/2020, có 13.560 người chưa thành niên sử dụng trái phép chất ma túy. Cả nước có 97 cơ sở cai nghiện công lập, trong đó 6 cơ sở chỉ có chức năng cai nghiện ma túy bắt buộc; 71 cơ sở cai nghiện ma túy đa chức năng (bao gồm cai nghiện bắt buộc, cai nghiện tự nguyện, điều trị thay thế, quản lý người nghiện không có nơi cư trú ổn định).