Sáng 22/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chất vấn thành viên Chính phủ với nhóm nội dung về nội vụ, tư pháp, công an.
Đại biểu Trịnh Minh Bình (chuyên trách đoàn Vĩnh Long) cho biết chính sách hỗ trợ công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã khi thực hiện chế độ thôi việc phụ thuộc khả năng cân đối của địa phương. Tuy nhiên, đa số địa phương chưa tự cân đối được và gặp khó khăn về nguồn kinh phí thực hiện.
"Đề nghị Bộ trưởng Nội vụ cho biết giải pháp giúp công chức, viên chức cấp xã được hưởng đầy đủ chế độ khi thôi việc do sắp xếp đơn vị hành chính?", đại biểu Bình chất vấn.
Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Phó đoàn Bắc Kạn) dẫn báo cáo của Chính phủ cho biết còn hơn 1.400 cán bộ, công chức cấp huyện và cấp xã dôi dư chưa được sắp xếp, giải quyết chế độ. Nhiều đơn vị hành chính đô thị cấp huyện sau sắp xếp chưa được phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung đô thị.
Khó khăn chủ yếu là do địa phương thiếu nguồn lực, kinh phí. "Đề nghị Bộ trưởng Nội vụ cho biết giải pháp căn cơ để tháo gỡ những vướng mắc trên?", nữ đại biểu hỏi.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết giai đoạn 2023-2025 dự kiến sau sắp xếp giảm 13 đơn vị hành chính cấp huyện và 624 đơn vị cấp xã. Số cán bộ, công chức dôi dư khoảng 21.800 người, nhiều nhất là tại cấp xã 13.100 người và khoảng 7.500 người hoạt động không chuyên trách.
Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 29/2023 quy định về tinh giản biên chế, dành riêng một khoản cho sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư khi sắp xếp đơn vị hành chính. Hiện 46/54 địa phương trong diện sắp xếp đã có nghị quyết của HĐND để hỗ trợ thêm ngoài quy định chung của Chính phủ.
Với địa phương tự cân đối thì thực hiện theo nghị định của Chính phủ cũng như nghị quyết của HĐND tỉnh. Địa phương không tự cân đối thì tổng hợp gửi Bộ Nội vụ để báo cáo Chính phủ cấp ngân sách cho nhiệm vụ này. "Nguồn kinh phí để địa phương giải quyết chế độ chính sách dôi dư này rất lớn", Bộ trưởng Trà thông tin.
Bộ trưởng Nội vụ cũng đề nghị các địa phương nhanh chóng tổng hợp để được giải quyết. "Trong 12 tháng nếu nghỉ ngay thì cán bộ, công chức sẽ có một khoản kinh phí lớn, đủ điều kiện tìm việc mới", Bộ trưởng nói.
Về việc chậm phân loại đô thị, Bộ trưởng Nội vụ thừa nhận đây là "một tồn đọng đúng như đại biểu nêu". Vướng mắc chủ yếu do thời điểm thực hiện sắp xếp phải tuân theo quy hoạch tỉnh, sau đó mới rà soát quy hoạch đô thị. Thời gian tới, bà Trà đề nghị địa phương căn cứ vào quy định đã có, "nỗ lực hơn để hoàn tất nhiệm vụ".
Tháng 7/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2030 nhằm giải quyết bất hợp lý về phân định địa giới, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, tạo thuận lợi cho quản lý nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Các huyện xã thuộc diện bắt buộc sáp nhập có diện tích và dân số dưới 70% tiêu chuẩn; huyện có diện tích dưới 20% và dân số dưới 200%; xã có diện tích dưới 20% và dân số dưới 300%. Năm 2025, huyện xã mới sau sáp nhập sẽ tổ chức đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030. Bản đồ địa giới sau đó được chỉnh lý. Trụ sở huyện xã chưa được sử dụng sẽ thanh lý hoặc chuyển công năng, bán đấu giá tài sản, đất; kinh phí thu được bổ sung ngân sách địa phương.
Theo quy định, tiêu chuẩn huyện miền núi, vùng cao là dân số 80.000 và diện tích 850 km2 trở lên; huyện đồng bằng từ 450 km2; quận từ 35 km2 với dân số ít nhất 150.000. Quy mô dân số của xã là 5.000 đến 8.000 trở lên, diện tích từ 30 km2.
Chủ tịch Quốc hội giao nhiệm vụ cho 9 Bộ, ngành
Phát biểu bế mạc phiên chất vấn vào trưa cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết sau 1,5 ngày làm việc đã có 66 lượt đại biểu chất vấn, 9 lượt tranh luận. Ông đánh giá các đại biểu nghiên cứu kỹ các báo cáo, đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, vào thẳng vào vấn đề; các thành viên Chính phủ, trưởng ngành nắm chắc thực trạng của ngành, lĩnh vực phụ trách nên trả lời làm sáng tỏ nhiều vấn đề.
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Mẫn nêu một số nhiệm vụ cơ bản liên quan trực tiếp đến trách nhiệm của 9 Bộ, ngành để thực hiện trong thời gian tới. Ông đề nghị Bộ Công thương tiếp tục thực hiện có hiệu quả các đề án, quy hoạch, đã được phê duyệt để đảm bảo an toàn, an ninh năng lượng; hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu và sớm có phương án xử lý trong dài hạn việc bảo quản riêng về xăng dầu dự trữ quốc gia.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về nhãn hiệu, thương hiệu nông sản chủ lực; kiểm soát chặt việc quản lý, sử dụng và chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa; bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Bộ cần làm tốt công tác dự báo, chủ động triển khai các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn.
Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn những chính sách chưa được triển khai về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; xây dựng quy định điều chỉnh một số lĩnh vực về văn hóa, nghệ thuật. Bộ nghiên cứu cơ chế khuyến khích các nguồn lực xã hội đầu tư cho văn hóa, công nghiệp văn hóa; có giải pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về chuẩn mực đạo đức xã hội.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Nội vụ sớm hoàn thành việc sắp xếp, giải quyết chế độ, chính sách với cán bộ, công chức dôi dư và quản lý tài sản sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021. Bộ cần có hướng dẫn, giải quyết các vướng mắc của địa phương trong quá trình xây dựng và hoàn thiện đề án sắp xếp đơn vị hành chính.
Bộ Tư pháp có nhiệm vụ dự kiến các nhiệm vụ lập pháp cần thực hiện, làm cơ sở đề xuất xây dựng định hướng chương trình lập pháp cho nhiệm kỳ Quốc hội khóa 16. Người đứng đầu Quốc hội cũng yêu cầu bộ này khắc phục triệt để tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật và có giải pháp khắc phục hạn chế trong thi hành án hành chính; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng.
Bộ Công an tăng cường đấu tranh, phòng, chống các loại tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, liên quan tín dụng đen, có yếu tố nước ngoài và tội phạm hoạt động núp bóng doanh nghiệp; triển khai toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo chỉ đạo. Hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, nhất là về giao thông, phòng chống cháy, nổ cần được nâng cao.
Thanh tra Chính phủ phải giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài và không để phát sinh vụ việc phức tạp, kéo dài mới. Toàn ngành nâng cao chất lượng và hiệu quả kết luận thanh tra, trách nhiệm thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu TAND Tối cao đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xét xử; xây dựng, kiện toàn đội ngũ cán bộ tòa án trong sạch, vững mạnh; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng phần mềm cơ sở dữ liệu quản lý, theo dõi việc tiếp công dân.