Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026 sẽ diễn ra vào ngày 23/5. Nhiều hoạt động liên quan đã được khởi động. VnExpress phỏng vấn ông Ngô Sách Thực, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, về nội dung này.
- Những điểm mới của bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân khóa này là gì, thưa ông?
- Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân khóa này có nhiều điểm mới. Trước hết, do đòi hỏi nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước, trong đó có hoạt động của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, chất lượng và tính chuyên nghiệp của đại biểu phải được nâng lên. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội quy định tăng đại biểu chuyên trách và giảm đại biểu các khối khác, đặc biệt là khối hành pháp.
Thứ nhất là tăng đại biểu chuyên trách và giảm đại biểu khối khác, đặc biệt là hành pháp. Theo quy định, khóa XV có tổng số 500, trong đó đại biểu chuyên trách tăng từ 35 lên ít nhất 40% (tương ứng tăng khoảng 19 đại biểu chuyên trách), nâng cao tính chuyên nghiệp của đại biểu Quốc hội.
Lần này việc hướng dẫn số dư người ứng cử tại mỗi đơn vị bầu cử được quy định rõ hơn, đảm bảo các vòng hiệp thương có sự lựa chọn, khắc phục tình trạng hiệp thương không có số dư, hiệp thương "tròn" ở các địa phương. Mỗi đơn vị bầu cử phải có số dư ít nhất là 2.
Ngoài ra, trường hợp người được dự kiến giới thiệu ứng cử có tỷ lệ tín nhiệm của cử tri nơi công tác hoặc nơi làm việc không đạt trên 50% tổng số cử tri tham dự tại hội nghị, thì không được giới thiệu. Ứng viên không đạt trên 50% số phiếu tín nhiệm của cử tri tham dự hội nghị lấy ý kiến tại nơi cư trú thì không đưa vào danh sách ứng cử trình Hội nghị hiệp thương lần thứ ba; trừ trường hợp đặc biệt cần báo cáo rõ để Hội nghị hiệp thương xem xét, quyết định.
Một trong những điểm mới của lần bầu cử này là các ứng cử viên của HĐND được quyền tiếp xúc cử tri 5 cuộc, ứng viên Đại biểu Quốc hội ít nhất 10 cuộc. Do những lần trước không quy định số lần tối thiểu nên số lần tiếp xúc cử tri giữa các ứng viên khác nhau, người nhiều người ít. Việc quy định rõ số lần tiếp xúc tối thiểu giúp cử tri có cơ hội tiếp xúc với ứng viên nhiều hơn, qua đó hiểu rõ hơn để cân nhắc lựa chọn khi đi bầu.
Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, ứng viên trình bày công khai chương trình hành động toàn khóa, lời hứa với cử tri. Đây là cơ hội bình đẳng cho các ứng viên được thể hiện mình.
- Việc lựa chọn ứng viên được thực hiện qua các bước như thế nào?
- Quá trình lựa chọn ứng viên được thực hiện theo quy định rất dân chủ, công khai, chặt chẽ, thông qua nhiều bước. Khi chuẩn bị tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và thường trực HĐND các cấp phải đưa ra phương án kiện toàn tổ chức của Quốc hội khóa XV và nhiệm kỳ HĐND các cấp 2021-2026.
Mục đích, yêu cầu, phương án cụ thể như thế nào phải trao đổi rất kỹ với các cơ quan để khi ra Hội nghị hiệp thương lần 1 có thể thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng, đạt mục đích, yêu cầu. Ngay sau hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, nếu có gì bất cập thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội và HĐND các cấp sẽ điều chỉnh.
Bước 2 là lựa chọn các ứng cử viên giới thiệu ứng cử. Theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, mọi công dân đều có quyền bầu cử và ứng cử. Bước này sẽ có ba hội nghị. Một là hội nghị của thủ trưởng đơn vị, ban chấp hành công đoàn; sau đó mới đưa ra hội nghị toàn thể của cán bộ, công nhân, viên chức người lao động của cơ quan, tổ chức đó; cuối cùng là hội nghị của lãnh đạo cơ quan với các đơn vị mở rộng.
Hội nghị hiệp thương lần thứ hai (dự kiến 19/3) sẽ lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND. Sau đó tổ chức lấy ý kiến cử tri ở nơi cư trú, nơi công tác đối với người ứng cử.
Hội nghị hiệp thương lần thứ ba (dự kiến 18/4) sẽ lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND. Ngày 23/4, Mặt trận gửi danh sách ứng cử tới Hội đồng bầu cử quốc gia để 28/4 Hội đồng công bố danh sách chính thức.
- Làm sao để đảm bảo cơ cấu của đại biểu Quốc hội, trong đó bao gồm ứng viên ngoài Đảng, thưa ông?
- Các quy định của pháp luật hiện không có rào cản nào trong việc tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội. Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, tất cả những người từ 18 tuổi đều có quyền bầu cử và 21 tuổi đều có quyền ứng cử. Trong đề án, thông báo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, HĐND các cấp và các bước hiệp thương cũng nói rõ tỷ lệ các thành phần, như ngoài Đảng phải đạt ít nhất 5-10%, nhiều hơn thì càng tốt.
Tuy nhiên, thực tế thực hiện việc này còn nhiều khó khăn. Để khắc phục, tôi cho rằng phải có sự chuyển biến mạnh hơn trong nhận thức của xã hội, tạo bình đẳng cho tất cả các ứng cử viên. Đặc biệt, người tự ứng cử phải phấn đấu và tự khẳng định mình, để nhân dân tin tưởng lựa chọn.
- Việc giảm cơ cấu đại biểu khối cơ quan Trung ương, đặc biệt là các cơ quan hành pháp có ý nghĩa như thế nào?
- Số lượng đại biểu khối hành pháp giảm xuống tạo điều kiện tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách, dành toàn tâm, toàn ý cho các hoạt động của Quốc hội. Bên cạnh đó, việc này cũng giúp cho lãnh đạo khối hành pháp giảm áp lực họp hành, tăng thời gian thực hiện chức năng quản lý nhà nước.
Tất nhiên, trong quá trình hoạt động của Quốc hội cũng như HĐND các cấp, thì các cơ quan Nhà nước cần tham gia, chịu sự giáp sát, tăng trách nhiệm giải trình.
- Các công việc phải thực hiện từ nay đến ngày bầu cử là gì, thưa ông?
- Từ nay đến 23/5 có nhiều việc phải làm. Riêng Mặt trận Tổ quốc xác định 5 nội dung trọng tâm. Đầu tiên, chúng tôi phải tổ chức các hội nghị hiệp thương. Hiện hiệp thương lần thứ nhất ở Trung ương đã xong, các địa phương cần hoàn thành trước 17/2. Sắp tới còn hội nghị hiệp thương lần 2 sơ bộ lập danh sách và hội nghị hiệp thương lần thứ 3 lập danh sách giới thiệu người ứng cử, chúng tôi phải tổ chức thật tốt, tạo không khí dân chủ, đồng thuận trong xã hội.
Thứ hai, Mặt trận phải thực hiện tốt các hội nghị cử tri nơi cư trú và nơi công tác để lựa chọn các ứng cử viên thật sự tiêu biểu. Thông qua nội dung này, người dân cũng đã tham gia vào việc lựa chọn các đại biểu, nên phải tổ chức thật dân chủ, công khai, rộng rãi, không hình thức.
Thứ ba là Mặt trận phải phối hợp với các cơ quan tổ chức tốt các hội nghị tranh cử cho các ứng cử viên. Việc này được thực hiện sau hội nghị hiệp thương lần thứ 3, sau khi đã có danh sách giới thiệu ứng viên. Hội nghị tranh cử giúp nhân dân biết được chương trình hành động, lời hứa của từng ứng viên, đồng thời là cơ hội để nhân dân gửi gắm tâm tư, nguyện vọng vào các ứng cử viên.
Thứ tư là cùng các đơn vị làm thật tốt thông tin tuyên truyền về bầu cử, làm sao vận động nhân dân tích cực tham gia bầu cử với tỷ lệ cao.
Cuối cùng, chúng tôi sẽ tổ chức giám sát quá trình bầu cử để việc tổ chức bầu cử được đúng luật, công bằng, nhân dân tin tưởng tham gia, tạo không khí tích cực, khắc phục hạn chế, sai sót.