Ngoài chính sách phát triển cà phê, tỉnh có cơ chế đặc thù để hút nhà đầu tư tầm cỡ làm du lịch, điện gió và điện mặt trời.
Nói đến Đắk Lắk ai cũng nghĩ đến cà phê. Nhờ diện tích trồng cà phê lớn nhất Việt Nam với diện tích 82.343ha, trung bình mỗi năm sản lượng thu hoạch hơn 400.000 tấn một, chiếm 40% sản lượng cả nước. Song tỉnh có nhiều tiềm năng để phát triển các lĩnh vực mới. Thời gian qua, tỉnh này bắt đầu thay đổi cơ cấu kinh tế thay vì sản xuất, xuất khẩu nông sản, lâm sản các lãnh đạo tỉnh nhắm đến nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng, du lịch... để tận dụng tối đa điều kiện tự nhiên vốn có.
Theo ông Nguyễn Hải Ninh, Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk, ngoài chính sách phát triển cà phê, tỉnh có cơ chế đặc thù để hút nhà đầu tư tầm cỡ làm du lịch, điện gió và điện mặt trời. Đồng hành cùng doanh nghiệp như thế nào với vị lãnh đạo này là điều căn bản để thu hút dòng tiền nhà đầu tư đến với cao nguyên thời gian tới.
- Thời gian qua, tỉnh đã có cụ thể hoá việc
đồng hành cùng với doanh nghiệp như thế nào thưa ông?
- Chúng tôi đã có nhiều hành động cụ thể và bước đầu có hiệu quả. Mỗi thứ 3 hàng tuần, tỉnh tổ chức mô hình cà phê doanh nhân - doanh nghiệp, một lãnh đạo UBND tỉnh sẽ cùng uống cà phê với doanh nghiệp để trò chuyên nghe tâm tư của doanh nhân. Thứ 5 hàng tuần lãnh đạo tỉnh trực tiếp làm việc, tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp, có sự tham gia của đại diện sở ngành và các huyện, thị, thành phố. Sau mỗi buổi giải quyết khó khăn ấy, tỉnh ban hành kết luận để triển khai thực hiện ngay chứ không cần phải văn bản qua lại giữa các sở ngành. Cơ chế này giúp tăng cường niềm tin của nhà đầu tư vào chính quyền.
Tỉnh cũng tăng cường công khai minh bạch. Chúng tôi nghĩ rằng không cái gì bằng công khai, minh bạch. Khi mình rõ ràng mọi thông tin thì số lượng các nhà đầu tư đến bỏ vốn đầu tư ở địa bàn tăng lên.
Bên cạnh đó, các lãnh đạo
phải thuyết phục nhà đầu tư vào tầm nhìn dài hạn, định hướng chiến lược của
tỉnh để thấy rằng cả nhà đầu tư và chính quyền đều nhìn cùng một hướng, đều
song hành cùng có lợi (win - win). Nhà đầu tư sẽ nhìn thấy lợi ích của doanh
nghiệp, sự đóng góp của doanh nghiệp đối với chặng đường phát triển kinh tế xã
hội của tỉnh. Khi có niềm tin và cùng tầm nhìn dài hạn thì quyết tâm sẽ cao
hơn, hành động sẽ vững tin và dễ chia sẻ, thông cảm với nhau hơn.
- Đắk Lắk từng nhiều lần đề cập đến mong muốn đưa thương hiệu cà phê ra thế giới. Vậy tỉnh đang làm gì đạt mục tiêu này?
- Hiện, Đắk Lắk được coi là thủ phủ của cà phê Việt Nam. Chúng tôi còn có một ước vọng hơn thế nữa là muốn Đắk Lắk trở thành điểm đến của cà phê thế giới. Vấn đề là thu hút người yêu cà phê thế giới bằng cách nào.
Đầu tiên là truyền thông.
Vừa rồi, chúng tôi xây dựng bộ nhận diện thương hiệu của tỉnh, trong đó chính
thức đề ra slogan với thông điệp là: Đắk Lắk - điểm đến của cà phê thế
giới".
Bên cạnh đó, chúng tôi muốn làm cà phê đặc sản, nói nôm na là chất lượng cao của chất lượng cao. Nó sẽ là nét đặc sắc tạo nên thương hiệu cho cà phê Đắk Lắk trong giai đoạn mới. Tuy nhiên, không phải mình muốn gọi đặc sản thành cà phê đặc sản được.
Cà phê đặc sản phải có các chuyên gia quốc tế có chứng chỉ, có bằng cấp thẩm định, chấm giải. Ngày 9/3 tới tại lễ hội cà phê, cuộc thi cà phê đặc sản sẽ diễn ra với giám khảo là chuyên gia thử nếm cà phê đến từ nhiều nước trên thế giới. Sau khi chấm giải xong, họ sẽ tổ chức đấu giá ngay cho mẫu cà phê được giải ấy.
- Làm cà phê đặc sản người dân sẽ hưởng lợi ra sao?
- Giá trị cà phê đang ở những nhà rang xay, trên lĩnh vực thương mại chứ người trồng cà phê chưa được hưởng lợi nhiều. Nếu như trồng và phát triển cà phê đặc sản thì người nông dân sẽ được hưởng lợi nhiều hơn trong chuỗi giá trị. Hiện nay một kg cà phê đặc sản rang xay giá khoảng hơn 600.000 đồng, trong khi cà phê bình thường khoảng 120.000 - 180.000 đồng một kg.
Một lĩnh vực mà tỉnh muốn tập trung thu hút chính là chế biến cà phê. Chúng tôi khuyến khích và mời gọi một số doanh nghiệp chế biến cà phê và sau một thời gian làm nhà máy cà phê Đắk Lắk, các nhà đầu tư đều có lãi. Không chỉ có cà phê rang xay, những sản phẩm từ cà phê cũng là lĩnh vực đang được thu hút như sản xuất thuốc giảm cân từ cà phê, làm kẹo, bánh từ cà phê...
- Hạ tầng giao thông là điểm hạn chế cản nhà đầu tư. Tỉnh có kế hoạch gì để cải thiện điều này?
- Những hạn chế về logistics của tỉnh phải được giải quyết bằng những nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước. Chúng tôi sẽ đẩy mạnh đầu tư BT rồi BOT và tất cả cơ chế khác để huy động sự tham gia của cộng đồng, của doanh nghiệp vào các dự án phát triển hạ tầng.
Nút thắt quan trọng nhất là phải phát triển những tuyến đường chiến lược huyết mạch nối tỉnh Đắk Lắk với những trung tâm cảng biển của Nam Trung Bộ như Cam Ranh (Khánh Hòa) hay Vũng Rô (Phú Yên). Lãnh đạo tỉnh đặt ra những mục tiêu chiến lược huy động nhiều nguồn vốn để đầu tư xây dựng các tuyến cao tốc kết nối với cảng biển. Nhiều nhà đầu tư quan tâm và chúng tôi hy vọng trong thập kỷ tới, tuyến cao tốc quan trọng từ Đắk Lắk xuống Nam Trung Bộ sẽ được xây dựng.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã kiến nghị Chính phủ làm đường sắt nối Đắk Lắk với Phú Yên. Hiện nay đã có trong quy hoạch và trong tương lai sẽ có tuyến đường sắt này.
- Đắk Lắk tận dụng lợi thế của mình ra sao để thúc đẩy du lịch - lĩnh vực mà tỉnh đang chú trọng?
- Hiện nay dự án sân golf 18 lỗ và biệt thự hồ Ea Kao của Vingroup đã được bổ sung quy hoạch chính thức và đang làm thủ tục để hoàn thiện thủ tục đầu tư. Chúng tôi tin rằng, trong khoảng 2 năm tới, sẽ có một khu sân golf đẳng cấp ở hồ Ea Kao. Bên cạnh đó, FLC cũng đang đặt vấn đề xây dựng một khu phức hợp nghỉ dưỡng, sinh thái, sân golf khoảng gần 1.000 ha tại hồ Ea Nhái. Công ty Cổ phần du lịch Hiểu về trái tim cũng đang đầu tư một khu du lịch thiền ở Chư Yang Sin và một khu du lịch sinh thái ở hồ Lắk.
Ngoài ra, chúng tôi cũng đang thúc đẩy du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, homestay... vốn là các dự án không phải đầu tư quá lớn về vốn nhưng có thể quảng bá được ngay những giá trị, bản sắc của đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh. Một số nhà đầu tư trong tỉnh đang đầu tư những khu du lịch sinh thái rất tốt như vườn lan Troh Bư ở Buôn Đôn, khu sinh thái chuyên về ong ở gần Đại học Tây Nguyên, khu sinh thái Ko Tam...
Ngoài ra, một lĩnh vực mà chúng tôi mong muốn đầu tư và thu hút đầu tư là dịch vụ, thương mại và hạ tầng đô thị. Tỉnh đang kêu gọi dự án khu đô thị kết hợp với trung tâm thương mại phức hợp trong nội thành thành phố Buôn Ma Thuột. Vingroup đang khảo sát xây dựng một tổ hợp khách sạn 5 sao và trung tâm thương mại.
Ngoài ra còn nhiều nhà đầu tư khác đang xây dựng những khu du lịch sinh thái kết hợp với văn hóa nhằm bảo tồn văn hóa của đồng bào dân tộc tại các buôn ở rìa thành phố.
- Tiềm năng về năng lượng tái tạo đang được tỉnh tận dụng như thế nào?
- Theo tư vấn từ chuyên gia của Tây Ban Nha và Bộ Công Thương, Đắk Lắk, Ninh Thuận, Bình Thuận đều có tiềm năng điện lớn nhất cả nước, trong đó chủ yếu là điện gió và điện mặt trời. Hiện nay, nhiều nhà đầu tư tới Đắk Lắk để đầu tư về điện gió, điện mặt trời.
Trong năm 2019, chúng tôi sẽ khánh thành 5 nhà máy điện mặt trời. Ngoài ra, năm vừa qua Công ty Xuân Thiện Đắk Lắk cũng đã được Thủ tướng Chính phủ bổ sung quy hoạch cho cụm nhà máy điện mặt trời 600 MW. Điện gió đã có một nhà máy, giữa năm nay sẽ đi vào hoạt động. Ngoài ra, chúng tôi hy vọng có 4 dự án điện gió nữa trong 2019 sẽ khởi công.
- Khó khăn của điện gió hay điện mặt trời là đấu nối phát điện lên lưới, Đắk Lắk làm thế nào để giải quyết vấn đề này?
- Tất cả các tỉnh hiện nay đều vướng mắc một vấn đề chung là khả năng giải tỏa công suất và đấu nối. Chúng tôi đang kiến nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam đẩy nhanh tiến độ những dự án hạ tầng về điện đã được quy hoạch, thông thường chúng ta hay chậm vì thiếu vốn.
Tỉnh khuyến khích nhà đầu tư lớn, bên cạnh xây dựng những dự án điện mặt trời, điện gió của họ thì xây dựng cả những trạm phân phối và hệ thống truyền tải điện, có thể là thực hiện theo hình thức BT hoặc có thể xây dựng trạm rồi chia sẻ với những nhà đầu tư sau.
- Cả nông nghiệp, năng lượng tái tạo, du lịch... đều có nhiều tiềm năng phát triển. Theo ông, trong 10 năm tới, mũi nhọn của Đắk Lắk là gì?
- Trong 10 năm tới, nông nghiệp vẫn là lĩnh vực mà chúng tôi ưu tiên phát triển bởi đây là thế mạnh và là sự khác biệt của tỉnh. Với 40% đất đỏ bazan trên tổng số diện tích đất của tỉnh hơn 13.000 km2, khí hậu trung bình hàng năm chỉ có 24 độ C, Đắk Lắk phù hợp phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hoá.
Ngoài cà phê, chúng tôi có
nhiều loài cây thế mạnh như bơ, sầu riêng, tiêu, cao su, những cây ăn trái có
múi khác. Dưới tán rừng, chúng ta cũng có thể kết hợp trồng dược liệu. Nghiên
cứu của các nhà khoa học cho thấy, Đắk Lắk cũng thích hợp với trồng dược liệu.
Chúng tôi đang cố gắng mời gọi những dự án có ứng dụng công nghệ cao vào lĩnh
vực nông nghiệp, mặt khác khuyến khích sử dụng nông nghiệp hữu cơ.
- Ngày 10/3 tới tỉnh tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư, ông muốn truyền tải điều gì tới nhà đầu tư trong và ngoài nước?
- Chúng tôi muốn nhấn mạnh lại thông điệp "Tiềm năng của Đắk Lắk, cơ hội của doanh nghiệp". Các nhà đầu tư nên đến Đắk Lắk, trực tiếp quan sát, thăm quan các doanh nghiệp đã làm ăn trên địa bàn để thấy được tiềm năng và tin tưởng vào môi trường đầu tư của tỉnh. Nếu doanh nghiệp đầu tư nghiêm túc, họ sẽ có nhiều cơ hội thành công trên vùng đất Tây Nguyên này.