Công trình Đại Vận Hà là hệ thống kênh ở phía đông và phía bắc Trung Quốc, bắt đầu từ Bắc Kinh và kết thúc ở thành phố Hằng Châu thuộc tỉnh Chiết Giang, nối sông Hoàng Hà với sông Trường Giang. Dài khoảng 1.800 km, đây là kênh đào nhân tạo dài nhất thế giới, theo Amusing Planet.
Ở thời hoàng kim, Đại Vận Hà bao gồm hơn 2.000 nhánh, nối liền 5 lưu vực sông lớn của Trung Quốc. Hệ thống kênh đào được xây dựng để cho phép vận chuyển thóc gạo dôi thừa từ vựa lúa ở châu thổ sông Trường Giang và sông Hoài tới kinh thành và cung cấp cho các doanh trại quân thường trực lớn ở phía bắc Trung Quốc. Đại Vận Hà đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo thông thương và giao lưu văn hóa giữa các tỉnh phía bắc và phía nam thuộc miền đông Trung Quốc và ngày nay vẫn được sử dụng như một kênh giao thông.
Kênh Đại Vận Hà được xây từng phần ở những khu vực khác nhau trong nhiều thời điểm khác nhau, bắt đầu từ thế kỷ 5 trước Công nguyên. Nhưng phải tới thế kỷ 7, một cuộc mở rộng quy mô mới được tiến hành dưới sự chỉ đạo của Tùy Dạng Đế, đưa kênh đào tới quy mô như ngày nay. Hoàng đế nhà Tùy cần một con đường vận chuyển lương thực từ vùng đất màu mỡ phía tây bắc sông Trường Giang tới kinh thành và nơi quân đội của ông phải thường xuyên giao chiến với các bộ lạc du mục.
Hơn 3 triệu nông dân được huy động tham gia đào kênh dưới sự giám sát của hàng nghìn binh lính. Dự án hoàn thành sau 6 năm, nhưng tới thời điểm đó, khoảng một nửa nhân công đã chết do lao động vất vả và đói ăn. Năm 735, gần 150 triệu kg lương thực được vận chuyển dọc kênh đào hàng năm. Những hàng hóa khác từ vải vóc tới gốm sứ cũng được buôn bán, giúp kinh tế đất nước phát triển.
Khi triều nhà Nguyên (1271 - 1368) dời đô về Bắc Kinh, nhánh kênh đào xuôi về phía tây tới Khai Phong hoặc Lạc Dương không còn được dùng đến. Một lối tắt đi qua tỉnh Sơn Đông giúp độ dài của Đại Vận Hà giảm 700 km, lập ra lộ trình như ngày nay.
Kênh đào trải qua quá trình tu bổ vào giữa thời nhà Minh (1368-1644) và 15 khóa được dựng lên ở phía tây tỉnh Sơn Đông. Sự ra đời của kênh đào dẫn tới nhiều thành tựu kỹ thuật xuất sắc. Năm 587, cửa cống đầu tiên trên thế giới được một công trình sư thời nhà Tùy tên Lương Nhuệ phát minh trên đoạn nguyên thủy của con kênh dọc theo sông Hoàng Hà.
Vào năm 984, vị quan tào vận tên Kiều Vệ Nguyệt phát minh ra âu tàu đầu tiên trên Đại Vận Hà, loại âu tàu thường thấy ở các kênh đào hiện đại. Đó là vũng nước với hai cửa chặn cho phép tàu thuyền neo đậu an toàn chờ cho đến khi mực nước thay đổi.
Khi đường sắt xuất hiện, kênh đào dần bị bỏ hoang và hư hỏng. Ngày nay, chỉ có đoạn kênh từ Hằng Châu tới Tế Ninh còn qua lại được bằng tàu bè. Đoạn ở giữa và phía nam được duy trì và sử dụng chủ yếu để vận chuyển than đá từ các mỏ ở Sơn Đông và Giang Tô.