Ngày 20/12, Ban tổ chức cuộc thi viết "Cô giáo của tôi" lần thứ hai đã tổ chức lễ tổng kết và trao giải. Vượt qua 4.000 bài dự thi, anh Trịnh Ngọc Quý, sinh năm 1989, đại đội trưởng ở trung đoàn 102, sư đoàn 308, quân đoàn 1 (Quốc Oai, Hà Nội) giành giải nhất với tác phẩm "Cô đã cho tôi bài học cuộc đời".
Giải nhì thuộc về hai bài viết "Em ơi, đừng vội lấy chồng" của Lý Thị Thủy (Phú Yên) và "Đôi mắt cô" của Huỳnh Thị Dung (Hà Nội). Ngoài ra, có ba tác giả đạt giải ba và năm người đạt giải khuyến khích.
Ban tổ chức cho biết các tác phẩm đạt giải năm nay có phương pháp thể hiện phong phú, sáng tạo, nội dung bám sát thực tế cuộc sống. Mỗi tác phẩm dự thi là một câu chuyện xúc động về lòng yêu thương, những chân dung cụ thể với những số phận, sự nghiệp gắn với kỷ niệm vui buồn của thầy cô giáo.
Không thể có mặt nhận giải, anh Trịnh Ngọc Quý, chia sẻ qua điện thoại: "Khi biết thông tin về cuộc thi, tôi đã nghĩ ngay tới cô chủ nhiệm dạy Toán hồi cấp ba. Dù chỉ dạy hơn một năm, hình ảnh cô vẫn in sâu trong tâm trí tôi với những bài học không chỉ cung cấp kiến thức mà cả kỹ năng sống, bài học tình người".
Hiện đã trưởng thành, anh Quý vẫn nhớ cái thời "nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò" và thầm cảm ơn cô giáo đã giúp anh có được ngày hôm nay.
Dưới đây là tác phẩm "Cô đã cho tôi bài học cuộc đời" của anh Trịnh Ngọc Quý, được đăng dự thi trên báo Giáo dục và Thời đại:
"Những cố chấp, nghịch ngợm và nông cạn của tuổi trẻ đôi lúc khiến bản thân ta trượt dài và quanh quẩn trong vòng xoáy mịt mờ vô định mà không dễ gì để tìm ra lối thoát, khiến ta không định hình được tương lai rồi sẽ đi về đâu và ra sao khi lúc trưởng thành. Trên chặng đường chông chênh và gập ghềnh ấy của cuộc sống, cuộc đời ta như tái sinh thêm lần nữa nhờ ơn dưỡng dục và bài học làm người mà cô thầy truyền thụ trong những tháng năm trên ghế nhà trường.
Căn nhà thân yêu của cô nay rêu xanh đã phủ kín lớp ngói đỏ tươi, thời gian thực sự chẳng buông tha và bỏ qua bất kỳ điều gì tồn tại trên thế gian này, chỉ có những giá trị nhân văn cao đẹp, những điều là chân lý mới vượt qua được sự lạnh lùng cùng sức mạnh của thời gian, dòng chảy ấy dường như chỉ càng tôn thêm vẻ đẹp cho nét vẽ tinh hoa.
Cô tôi với ánh mắt sáng ngời, nụ cười hiền hậu và nhân cách khuôn mực nhà giáo luôn rực sáng như ánh pha lê. Có thể nơi thực tại cuộc sống tất cả chúng ta đều hiển nhiên cho rằng pha lê mang vẻ đẹp mong manh dễ vỡ nhưng chất liệu pha lê trong tâm hồn, trong nhân cách cô tôi lại đặc biệt và lạ kỳ. Sự lạ kỳ ấy không đến một cách tự nhiên và may mắn, đó là cả quá trình của sự nỗ lực, cống hiến và cả những nỗi đau thầm lặng. Đồng lương eo hẹp của người giáo viên cùng những khó khăn của hoàn cảnh gia đình khiến cô tôi phải cố gắng, phải bươn mình nhiều hơn, song trước những thử thách truân chuyên ấy cô chưa bao giờ gục ngã.
Nơi bục giảng, giọng cô ấm áp đến kỳ lạ, cô hòa mình trong những trang sách để truyền tải kiến thức cho học sinh thân yêu, cô như người mẹ hiền cần mẫn chăm lo, vun trồng tương lai cho những đứa con thơ dại của mình. Đôi lúc những tinh nghịch của lứa tuổi nhất quỷ, nhì ma thứ ba học trò ấy, khiến cô phiền lòng nhưng vẫn giọng nói nhẹ nhàng, ấm áp cô khuyên bảo và chỉ ra lỗi lầm cho những đứa học trò thân yêu.
Đôi khi, khuôn mặt cô hiện lên nỗi buồn mênh mang và cả những mệt mỏi. Lũ học trò vô tư và vụng dại chúng tôi ngày ấy đâu đã đủ những tinh tế để thấy và cảm nhận điều đó nếu như không gặp cô với sào rau nơi chợ huyện trong chiều mưa cuối ngày.
Lũ con trai chúng tôi những ngày năm lớp mười thật ương ngạnh và khó bảo, một chút dáng dấp thể hiện phong cách người lớn nhưng tất cả thật non nớt và vụng dại. Sau cái phong cách muốn được nổi bật ấy là cả khung trời con trẻ ngây thơ khó gì có thể bù đắp nổi ngoại trừ thời gian.
Tụ tập và muốn thử hương vị cay cay của thứ thức uống ngàn đời nhân loại mà chúng tôi gặp cô trong một hoàn cảnh thật khác, ngay cả trong giấc mơ chẳng một đứa nào trong số chúng tôi có thể mơ nổi về điều đó. Cô bình dị đến mức thật khác, không ai có thể nhận ra người giáo viên dạy giỏi và nhiệt huyết đứng trên bục giảng mỗi sáng mai ấy mà thay vào đó cô như người lữ khách tất bật, hối hả trên chặng đường mưu sinh.
Bao nhiêu tiền một bó rau vậy cô - Tôi cất tiếng hỏi mà không nghĩ rằng đấy là cô tôi - Năm trăm đồng cháu ạ! Còn mấy bó nữa lấy nốt cho cô nhé. Cô ngẩng đầu nhìn lên rồi khuôn mặt hiện dần sau vành nón lá đã sờn màu xưa cũ để cả tôi và cô cùng đứng lặng người một lúc nhìn nhau, tôi như không tin vào mắt mình và đứng hình câm lặng không biết thốt lời ra sao.
Người mà mỗi sáng thường ngày vẫn đứng trên bục giảng để nhắc nhở và dạy bài học làm người cho chúng tôi, đang đơn côi trong cơn mưa chiều tê tái. Cô cũng vậy, một chút đột ngột lúc ban đầu khiến cô ngại ngùng và nín lặng, tôi lấy hết số rau ấy cho cô và quay đi với nỗi niềm sâu kín, nặng trĩu trong lòng. Bao nhiêu ẩn số, bao nhiêu câu hỏi mà tâm trí của tôi muốn được biết, muốn được giải đáp.
Lũ chúng tôi thật vô tâm, dẫu cho cô mới chỉ nhận chủ nhiệm lớp được hơn hai tháng nhưng chẳng ai trong lớp biết hoàn cảnh thực sự về gia đình của cô. Chồng cô - người thương binh từ chiến trường trở về nhưng không biết trong mình mang theo di chứng da cam. Những ngày mưa nắng thất thường là những can qua và khó nhọc của khói lửa chiến trường lại dằn vặt thể xác người chồng thân yêu, nỗi đau như muốn cấu xé và cắn nát tâm hồn cô khi một trong hai người con cũng bị ảnh hưởng bởi di chứng da cam tàn ác.
Đồng lương của cô và chồng không đủ để trang trải những chi phí sinh hoạt trong gia đình. Những sào ao, những thước đất trồng rau làm thêm như phương tiện để giúp cuộc sống của cô đỡ lo toan hơn về tiền bạc.
Nhưng đi cùng với đó là sự vất vả và khó nhọc không kể xiết mà buổi chiều mưa định mệnh cho tôi gặp cô ấy chỉ là một phần ví dụ nhỏ nhoi trên chặng đường mưu sinh, lo toan của cô. Cuộc sống đôi lúc thật bất công và khắc khổ đến kỳ lạ, nó như muốn thử thách và thậm chí muốn nhấn chìm, muốn vùi dập ta xuống vũng lầy không lối thoát. Tôi xót xa và căm tức cuộc đời mà tự nhiên đã tạo ra cho cô, nhưng vẻ mặt dường như hả hê của số phận không thể chiến thắng được nội tại thực tâm của cô, cô chấp nhận khó khăn để thử thách bản thân, để sống và làm những điều chân lý của cuộc đời, chưa bao giờ cô chán nản hay một phút lơ đãng trên lớp học. Cô với nét phấn trắng nơi nền bảng đen của bục giảng tận tâm và dâng hiến những điều tốt đẹp nhất của cuộc đời cho chúng tôi và cả tương lai xã hội sau này.
Những bài học kiến thức, những bài học về cuộc đời và làm người, cô vẫn âm thầm và nhẫn nại truyền cho lớp học thân yêu, cô vỗ về những lúc chúng tôi khó khăn và bướng bỉnh dù cho bản thân cô mới thực sự là người đáng được an ủi và động viên. Có mảnh đất nào khô cằn héo úa và trơ thân trước công sức vun trồng tưới tắm, trước những thật tâm của chân lý và giá trị con người.
Câu chuyện về hoàn cảnh, về những cố gắng của cô như chạm sâu nơi tâm khảm trái tim những đứa học trò để chúng tôi nỗ lực học tập theo cô nhiều hơn và không cảm thấy hổ thẹn với người cô của mình. Những buổi chiều rảnh rỗi, lũ chúng tôi lại đến nhà giúp cô, tụi con gái hái và xếp những bó rau, còn lũ con trai chúng tôi giúp cô việc cuốc đất, việc ở ao. Cô và trò hòa mình trong bài học về tình yêu thương, về sự trải nghiệm của cuộc đời, cuộc sống để tất cả hiểu hơn, trân trọng hơn những giá trị chân lý cốt lõi.
Thời gian thấm thoát thoi đưa, lặng lẽ và lạnh lùng chẳng báo trước cho ai để rồi chúng tôi chia tay cô nơi sân trường đỏ màu phượng nở, chia tay lớp học ấy mà bước chân nơi những giảng đường đại học, nơi những mảnh đất của Tổ quốc thân yêu. Bóng cô khuất dần theo tầm mắt nhưng luôn hiện hữu nơi trái tim chúng tôi - người mẹ hiền đã dìu dắt và dạy những điều quý báu cho tương lai tươi sáng của những đứa học trò thân thương.
Để rồi khi những đứa học trò thuở nào tìm về và trở lại nơi mảnh đất vun đắp khát vọng ngày xưa để cảm ơn, để tri ân công ơn dạy dỗ của cô, nhưng nỗi buồn mênh mang và sự day dứt lại xâm chiếm cả không gian và tâm hồn chúng tôi. Cô ở đây im lặng còn lũ học trò ngày xưa chưa một lần kịp nói lời cảm ơn với cô nay lại mang niềm day dứt và món nợ ấy đi suốt cuộc đời. Cô thanh thản bước sang thế giới bên kia để lại cho chúng tôi sự trưởng thành và nhân cách làm người.
Chúng tôi cúi đầu trước di ảnh của cô để rồi như thấy cô vẫn nơi quanh đây mà dìu dắt chúng tôi bước tiếp trên những chặng đường gian khó của cuộc sống. Với cô có lẽ chúng tôi mãi như những đứa học trò năm nào - vụng dại và hồn nhiên. Cảm ơn cô đã đến bên đời để dìu dắt những bài học về đức hy sinh, về sự nỗ lực và cố gắng trong mỗi con người chúng tôi".