Tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Nguyễn Chu Phác, khi ấy là cán bộ trung đoàn 57, đại đoàn 304, nhớ khôn nguôi hình ảnh Đại tướng rơi nước mắt nói với các cán bộ chỉ huy khi đánh đồi A1 gặp khó khăn: "Nhân dân giao con em cho chúng ta mà các đồng chí để họ hy sinh như thế thì thử nghĩ xem trách nhiệm của các đồng chí như thế nào".
11 năm sau, ông Phác được điều về làm Cục trưởng Nhà trường quân đội và thường có dịp báo cáo công việc với Đại tướng tổng tư lệnh. Qua những lần tiếp xúc, ông ngày càng cảm kích tình thương yêu đồng bào, chiến sĩ của người anh cả. "Anh luôn thân tình với cán bộ, chiến sĩ, thường xuyên thăm hỏi gia đình và xưng hô với chúng tôi là anh em", thiếu tướng Chu Phác kể.
Đau đáu nhớ về những người lính hy sinh nơi chiến trận, Đại tướng thường dặn dò: "Chúng ta được sống như ngày nay là nhờ cán bộ, chiến sĩ đã ngã xuống" và động viên ông Phác cố gắng tìm kiếm hài cốt liệt sĩ để anh em được về với gia đình.
Từ đó và cả sau khi nghỉ hưu vào năm 1997, ông Chu Phác cùng đại tá Hàn Thuỵ Vũ và nhiều đồng đội tích cực tìm kiếm hài cốt các liệt sĩ, cập nhật tình hình với Đại tướng.
"Nghe báo cáo kết quả những cuộc tìm kiếm ở lòng chảo Điện Biên Phủ, Tây Nguyên hoặc trên đất Lào, Campuchia, anh cả rưng rưng, cố gạt nước mắt động viên mọi người nỗ lực hơn nữa. Trong các cuộc nói chuyện riêng, Đại tướng ngồi lặng, mắt nhòa lệ nói: "Thương các đồng chí ấy quá".
Hơn 20 năm qua, ông Chu Phác cùng các đồng đội đã quy tập được hơn 20.000 mộ liệt sĩ ở nhiều mặt trận. Những năm tướng Giáp nằm viện, Người vẫn thường xuyên nghe báo cáo về việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ.
Nhắc về người anh, người thầy, vị lãnh đạo kiệt xuất của quân đội nhân dân Việt Nam, đại tá Nguyễn Huyên (trợ lý của tướng Giáp) không quên mỗi lần đi công tác địa phương, việc đầu tiên Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm là tới thắp hương nghĩa trang liệt sĩ. "Mỗi lần tới thăm chiến sĩ đã hy sinh, Đại tướng đều không cầm được nước mắt", đại tá Nguyễn Huyên (trợ lý của tướng Giáp) kể. Trong trận đánh Quảng Trị, sau khi ra lệnh tiến công, đêm nằm Đại tướng đã khóc vì biết bộ đội khó tránh khỏi thương vong, mất mát nhưng vì đại cục không thể không hạ lệnh.
Dành thời gian thăm hỏi gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, Đại tướng cũng rất chu đáo, quan tâm tới nơi yên nghỉ của chiến sĩ đã khuất. Ông luôn căn dặn cán bộ địa phương chú ý chỉnh trang, tu bổ các nghĩa trang liệt sĩ.
Nhiều lần theo cha thăm lại chiến trường xưa, anh Võ Điện Biên nhận thấy sự day dứt khôn nguôi của Đại tướng khi đứng trước những ngôi mộ không tên. "Bình thường mọi người vẫn ghi mộ đó là liệt sĩ vô danh. Ông bảo nên thay là "chưa tìm được tên" bởi những người đó đều có danh cả", anh Biên chia sẻ. Thông tấn xã Việt Nam xin phép ra sách ảnh về Đại tướng, ông đáp: "Còn bao nhiêu chiến sĩ không có hình ảnh, thậm chí cả cái tên cũng chưa tìm ra".
Khắc cốt ghi tâm tâm nguyện của cha với việc tri ân những người đã khuất, mới đây, anh Võ Điện Biên bày tỏ mong muốn được sư đoàn 356 mang nắm đất Vị Xuyên (Hà Giang) về đặt bên bàn thờ Đại tướng, cạnh đất lấy từ Trường Sa, những nơi máu xương nhiều chiến sĩ đổ xuống để giữ vững chủ quyền biên giới, hải đảo Việt Nam. Ở mảnh đất Vị Xuyên, năm 1984 đã diễn ra trận đánh khốc liệt giữa quân đội ta và Trung Quốc xâm lược. Để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, hơn 1.700 cán bộ chiến sĩ quân Việt Nam đã anh dũng hi sinh.
"Không có quyền lợi nào cao hơn tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc và không có hy sinh nào lớn lao hơn hy sinh tính mạng con người để bảo vệ đất nước", anh Võ Điện Biên khẳng định trong buổi các cựu chiến binh từng chiến đấu ở mặt trận Vị Xuyên đến dâng lên trước bàn thờ Đại tướng nắm đất lấy về từ biên giới.
Quỳnh Trang