Sáng 20/6, giải trình tại tổ ở Quốc hội về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng nêu mục tiêu xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, mọi người dân đều được hưởng hạnh phúc, an toàn, không ai bị đe dọa. Nếu mỗi xã, phường đảm bảo tốt an ninh cơ sở thì an ninh ở quận huyện, tỉnh và cả nước sẽ tốt.
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều người bị bắt nạt, đe dọa. Việc tăng cường công an chính quy về xã thời gian qua chỉ đảm bảo một phần an ninh cơ sở vì lực lượng này còn tham gia vận động nhân dân, cải cách thủ tục hành chính, phục vụ người dân ngay tại chỗ. Trước đây, người dân cần giao dịch thường phải đến huyện, tỉnh nhưng hiện nay có thể thực hiện ngay tại xã.
"Chúng tôi đang tính toán như ở Tây Nguyên thì mỗi xã cần có một cán bộ để nắm và giải quyết tất cả vấn đề về an ninh. Xã phức tạp về ma túy cần cán bộ là chuyên gia phòng chống ma túy; vấn đề thủ tục hành chính cũng cần có người xử lý", Bộ trưởng Tô Lâm cho hay.
Ông nói thời gian tới, các xã cần có điều tra viên sơ cấp bởi luật cho phép giải quyết tin báo tố giác tội phạm của dân ở xã. Trước đây có Pháp lệnh công an xã, sau được Quốc hội cho phép nâng lên thành Luật Công an xã. Từ khi đưa công an chính quy về xã, Quốc hội đồng ý sau khi sửa Luật Công an nhân dân sẽ sửa Luật Công an xã. Vì vậy, lực lượng đảm bảo trật tự, an ninh cơ sở chưa có luật điều chỉnh.
"Về pháp lý, các vấn đề liên quan đến quyền tự do dân chủ của dân ở cơ sở rất nhiều, nếu không có luật điều chỉnh thì sẽ không đúng Hiến pháp", đại tướng Tô Lâm nói.
Bộ trưởng Công an khẳng định không có gì trở ngại, khó khăn trong vấn đề kinh phí để duy trì lực lượng vì nhiều nơi muốn ổn định để phát triển. Nếu tình hình an ninh trật tự không ổn định thì không có thời gian để bàn về phát triển kinh tế xã hội. Đơn cử khi xảy ra sự cố môi trường biển Formosa tại Nghệ An - Hà Tĩnh, Thường vụ Bộ Công an đã phải mất cả năm để bàn về việc này.
Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, cho rằng thống nhất 300.000 người thuộc các lực lượng thành tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là cần thiết. Hiện nay công an xã chính quy bố trí 100% trên địa bàn toàn quốc nhưng còn khá mỏng, có xã ở Tây Nguyên chỉ có năm người.
"Năm đồng chí với tất cả yêu cầu nhiệm vụ quản lý nhà nước về an ninh trật tự là rất nặng, đặc biệt là xử lý tin tố giác ban đầu. Do đó, nếu không có lực lượng bảo vệ an ninh trật tự cơ sở thì công an chính quy cũng rất vất vả và khó hoàn thành nhiệm vụ", bà Xuân nêu quan điểm.
Đề cập đến vụ ở Tây Nguyên vừa qua, tướng Xuân nói nếu lực lượng an ninh cơ sở được hướng dẫn cụ thể thì sẽ là "tai mắt" phát hiện nhóm người mua bộ đồ rằn ri, chuẩn bị dụng cụ, phương tiện để tấn công trụ sở hai xã. Một trong những đòi hỏi cấp bách để đảm bảo an ninh trật tự cơ sở là phải có lực lượng thường trực, nắm bắt vụ việc từ sớm ở thôn, buôn, tổ dân phố, cộng đồng dân cư.
Bà cho rằng đây là lực lượng từ nhân dân mà ra, am hiểu phong tục, tập quán, ngôn ngữ, chữ viết, nắm tình hình trong dân rất tốt. "Lực lượng này là cầu nối, cánh tay nối dài của công an xã chính quy, vô cùng cần thiết và do thực tiễn đòi hỏi", đại biểu đúc kết.
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, đánh giá từ khi Bộ Công an đưa công an chính quy về xã đã khắc phục được những hạn chế trước đây, khi công an xã không phải là lực lượng chính quy. Tuy nhiên, tình hình an ninh trật tự cơ sở hiện diễn biến phức tạp. Tội phạm, tai nạn, tệ nạn xã hội ở nhiều địa phương tiềm ẩn nguy cơ phức tạp.
"Như vụ tại Tây Nguyên vừa qua là bài học rất đắt, cho thấy lực lượng đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở còn thiếu và yếu, chưa được huy động kịp thời", ông nói, tán thành xây dựng dự thảo luật, nhưng cần giải thích rõ lực lượng đảm bảo an ninh cơ sở có gây gánh nặng cho ngân sách không.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành nhất trí sự cần thiết của dự án luật. Tuy nhiên, ông đề nghị ban soạn thảo cân nhắc bởi "không phải địa bàn, địa phương nào cũng nhất thiết thành lập tổ bảo vệ an ninh, trật tự" và điều kiện, tiêu chí của lực lượng này phải được thiết lập chặt chẽ.
Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở được Chính phủ trình Quốc hội lần đầu tại kỳ họp 10, Quốc hội khóa 14 (tháng 10/2020). Do còn nhiều ý kiến, Quốc hội đã tổ chức biểu quyết, sau đó Thường vụ Quốc hội chuyển về dự thảo Luật Chính phủ để cơ quan soạn thảo tiếp tục tiếp thu, nghiên cứu, hoàn chỉnh. Dự luật tiếp tục trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 đang diễn ra.
Sơn Hà - Viết Tuân