Chiều 7/11, Quốc hội dành một giờ tiếp tục chất vấn người đứng đầu lĩnh vực nội vụ, an ninh trật tự, thanh tra, tòa án, kiểm sát, kiểm toán.
Đại biểu Hà Hồng Hạnh (Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Khánh Hòa) nêu thời gian gần đây, hàng loạt vụ việc thanh thiếu niên sử dụng ma túy được phát hiện khiến người dân lo lắng, nhất là nguy cơ ma túy xâm nhập vào môi trường học đường. Nhiều học sinh thành nạn nhân, tham gia mua bán, vận chuyển ma túy.
"Đáng lo hơn ngày càng xuất hiện nhiều loại ma túy mới pha trộn thực phẩm gần trường học nhằm lôi kéo học sinh, sinh viên", bà Hạnh nói, đề nghị Bộ trưởng Công an nêu giải pháp giải quyết.

Bộ trưởng Công an Tô Lâm. Ảnh: Media Quốc hội
Bộ trưởng Công an Tô Lâm nói tình trạng sử dụng ma túy có xu hướng gia tăng và ngày càng trẻ hóa. Theo thống kê, đến tháng 9/2023 toàn quốc có 213.000 người nghiện và sử dụng trái phép ma túy; trong đó 81.000 người 16-30 tuổi, chiếm 38% tổng số người nghiện.
Trong khi đó, ma túy ngày càng đa dạng về chủng loại, giá rẻ, dễ cất giấu, dễ sử dụng. Ma túy có thể len lỏi vào trường học, núp bóng dưới tên tem giấy, khô gà... khiến cử tri và phụ huynh lo lắng. Vì vậy, Bộ Công an tập trung ngăn chặn nguồn cung từ bên ngoài và coi trọng giảm nguồn cầu là giới trẻ, học sinh.
Bộ Công an cũng phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường giáo dục học sinh, sinh viên, ngăn chặn ma túy xâm nhập học đường. Bộ cũng cùng các bộ ngành, đoàn thể tuyên truyền về phòng chống ma túy và các loại ma túy mới, triệt phá tụ điểm sử dụng ma túy. Bộ kiến nghị Bộ Y tế, cơ quan quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, không để ma túy núp bóng thực phẩm hay ma túy điện tử.
Đại biểu Nguyễn Thị Như Ý (Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai) nói rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài nêu khó khăn khi thực hiện quy định pháp luật về phòng cháy chữa cháy. "Với vai trò quản lý nhà nước, đề nghị Bộ trưởng Công an cho biết giải pháp giải quyết những vướng mắc trên", đại biểu chất vấn.
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết đã chỉ đạo tổ chức hội nghị về giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khi thẩm duyệt điều kiện phòng cháy chữa cháy đối với 17 địa phương trọng điểm. Các đơn vị đã tổ chức gần 3.000 hội nghị đối thoại với tổ chức, doanh nghiệp và người dân, phối hợp khảo sát trực tiếp tại cơ sở, hướng dẫn các giải pháp khắc phục vi phạm. Đến nay, khoảng 15.500/36.000 cơ sở đã khắc phục, đạt 40%.
Bộ đã chỉ đạo Cục Phòng cháy chữa cháy ban hành văn bản hướng dẫn nghiệp vụ để các đơn vị, địa phương thực hiện thống nhất. Đến nay, các đơn vị đã rà soát tất cả cơ sở và trực tiếp hướng dẫn giải pháp tháo gỡ. Công an địa phương cũng thành lập tổ công tác đến 100% cơ sở còn tồn tại về phòng cháy chữa cháy. Đến 30/10, 100% dự án xây dựng mới với khoảng 1.800 công trình có khó khăn đã được hướng dẫn và tiếp thu chỉnh sửa, không còn vướng trong thiết kế, từ đó hoàn thiện hồ sơ để thẩm duyệt, nghiệm thu. Riêng cơ sở hiện hữu còn vi phạm phòng cháy, công an địa phương đã rà soát, đề ra các giải pháp tháo gỡ.
Một số nơi không muốn phân cấp vì sợ mất quyền lực
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về việc phân cấp phân quyền, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết các văn bản gần đây của Chính phủ và bộ, ngành ban hành đang theo hướng này, bởi luật có tính phổ quát, có khi hợp lý chỗ này nhưng chưa hợp lý chỗ khác. Ông kể câu chuyện Bí thư một tỉnh miền núi phía Bắc nắm tay ông cảm ơn vì Chính phủ đã giải quyết việc chuyển mục đích sử dụng rừng để làm đường giao thông. "Đồng chí này nói đã phải qua 24 lần thủ tục hành chính mới được giải quyết. Tôi rùng mình với thông tin này", ông Quang nói.
Phó thủ tướng cho rằng việc phân cấp hiện nay vẫn vướng các quy định chuyên ngành, phải chờ đồng bộ để tránh xung đột pháp lý. "Ở nơi này, nơi khác, đơn vị này đơn vị kia không muốn phân cấp, vẫn muốn ôm, nếu không phải vì lợi ích thì cũng không muốn mất đi quyền lực của mình", Phó thủ tướng nói.
Mặt khác, khi xây dựng các quy định phân cấp, thành viên Chính phủ cũng lo lắng "không biết ở dưới có kham nổi hay không". Đơn cử chính sách dự kiến trình Quốc hội ở phiên họp sau cho phép chính quyền cấp huyện được quyết định sử dụng "trộn vốn" ba chương trình mục tiêu quốc gia, thí điểm ở mỗi tỉnh một huyện.
"Theo ý kiến phản hồi ở địa phương thì cán bộ cấp huyện rất lo lắng vì sợ không kham nổi thủ tục này, không khéo lại mất cán bộ vì không đủ sức", ông Quang nói. Vì vậy, Chính phủ sẽ phân cấp mạnh nhưng có chọn thứ tự ưu tiên, kết hợp kiểm tra, giám sát, tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính.

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang. Ảnh: Media Quốc hội
Giải trình về nội dung chậm ban hành văn bản pháp luật, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết trách nhiệm thuộc về Chính phủ và các bộ trưởng được giao chủ trì soạn thảo. "Chúng tôi xin nhận khuyết điểm ở chỗ này và cố gắng từng bước khắc phục", ông Quang nói.
Tuy nhiên, ông đề nghị đại biểu chia sẻ với thành viên Chính phủ bởi việc xây dựng các nghị định, thông tư phải đáp ứng tính chuẩn mực; việc đánh giá tác động chính sách cũng rất mất thời gian. Thực tế, thành viên Chính phủ phải dồn rất nhiều công sức để sửa nghị định, thông tư đang có hiệu lực nhưng xuất hiện các bất cập.
"Cái này được ưu tiên xử lý vì nó đang rất vướng, mọi người phải đổ công sức nhiều hơn, nên đâu đó, lúc này lúc khác lơ là những yêu cầu mà luật quy định", Phó thủ tướng nói.
Ông cho biết thời gian qua Chính phủ thường xuyên tổ chức hội nghị chuyên đề về pháp luật để khắc phục tồn tại. Chính phủ sẽ nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; tăng cường phối hợp giữa các bộ ngành và tăng cường năng lực, nguồn lực cho cán bộ làm công tác pháp chế.
Đẩy nhanh tiến độ sáp nhập huyện, xã
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Bình) cho biết Nghị quyết số 117 của Chính phủ yêu cầu sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2025 với thời gian rất gấp rút. "Bộ trưởng Nội vụ có giải pháp gì để thực hiện thành công những mục tiêu đặt ra?", bà hỏi.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho hay sau rà soát có 58 tỉnh phải sắp xếp 33 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.327 đơn vị hành chính cấp xã. Đây là số lượng lớn, phải sắp xếp trong thời gian ngắn, đến tháng 10/2024, để chuẩn bị cho đại hội cấp cơ sở. Dù vậy, đến nay đã có 48/58 địa phương trong diện sắp xếp gửi phương án về Bộ Nội vụ.
Thời gian tới, Bộ sẽ tập trung tuyên truyền để thống nhất nhận thức, tạo đồng thuận trong mọi tầng lớp, nhất là ở địa bàn sắp xếp. Bên cạnh đó, các địa phương phải phát huy vai trò người lãnh đạo, tạo đồng thuận, bám sát các tiêu chí, điều kiện đặc thù để sắp xếp. Cơ quan có thẩm quyền cần chủ động bố trí nguồn lực để các địa phương thực hiện.
"Phải có giải pháp chủ động, linh hoạt, sáng tạo để giải quyết những vấn đề phát sinh. Việc này đòi hỏi quyết tâm của hệ thống chính trị, nhất là cấp địa phương, nỗ lực, quyết tâm thực hiện", bà Trà nói.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: Media Quốc hội
Tranh luận với Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, bà Trần Kim Yến (Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP HCM) cho rằng đẩy mạnh tự chủ các đơn vị sự nghiệp công lập là "đẩy cái khó về phía người học và phụ huynh".
Bộ trưởng Nội vụ cho rằng tự chủ trong các đơn vị sự nghiệp là xu thế chung, chủ trương lớn được thực hiện từ Đại hội 10 đến nay. Ban Chấp hành Trung ương đã có Nghị quyết 19 về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả của đơn vị sự nghiệp công lập; Bộ Chính trị ban hành kết luận 62 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 19.
Mục tiêu của đề án này là tới năm 2021 có 10% đơn vị sự nghiệp tự chủ, giảm 10% viên chức hưởng lương ngân sách; 2025 số đơn vị tự chủ là 20%, và giảm tiếp 10% số viên chức hưởng lương từ ngân sách. Quá trình thực hiện nhiệm vụ này theo bà Trà vẫn còn nhiều khó khăn, như thể chế vẫn tiếp tục hoàn thiện.
"Chúng ta phải thống nhất rằng thực hiện tự chủ phải gắn chặt với chính sách an sinh và phúc lợi xã hội. Tự chủ cũng phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa đổi mới - ổn định phát triển; kinh tế thị trường - định hướng xã hội chủ nghĩa", bà Trà nói.
Trên cơ sở này, dịch vụ sự nghiệp công do Nhà nước giữ vai trò chủ đạo sẽ được xác định để đưa ra lộ trình đẩy mạnh tự chủ phù hợp từng lĩnh vực, vùng, miền, nhất là dịch vụ công thiết yếu. Việc này phải đảm bảo lộ trình, gắn với công bằng xã hội, đảm bảo Nhà nước chăm lo hỗ trợ diện chính sách, người khó khăn và hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, công bằng, văn minh.
Đại biểu Nguyễn Trường Giang nêu vấn đề việc phê duyệt vị trí việc làm tại các đơn vị sự nghiệp công lập rất chậm nên các đơn vị sự này rất khó tuyển dụng. "Mặc dù đã phân cấp, nhưng tôi cho rằng Bộ Nội vụ với vai trò giúp Chính phủ quản lý Nhà nước vẫn phải có trách nhiệm về nội dung này. Quan điểm của Bộ trưởng ra sao?", ông Giang chất vấn.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thừa nhận việc xây dựng vị trí việc làm đơn vị sự nghiệp công lập đang chậm. Nguyên nhân là khi thực hiện Luật Viên chức, Chính phủ ban hành nghị định, Bộ Nội vụ ban hành thông tư hướng dẫn, sau đó Chính phủ phân cấp cho các bộ ngành, địa phương phê duyệt vị trí việc làm viên chức đơn vị sự nghiệp công lập.
Năm 2019 Luật Viên chức sửa đổi nên Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ xây dựng vị trí việc làm. Đến nay có 13/15 bộ hoàn thành danh mục vị trí việc làm chuyên ngành. Còn hai bộ tháng 11 này sẽ hoàn thành để triển khai đồng bộ.
Bà Trà đề nghị bộ ngành, địa phương căn cứ vào thông tư hướng dẫn để phê duyệt vị trí việc làm đơn vị sự nghiệp công lập, chuẩn bị cải cách tiền lương.
Trả lời đại biểu Đồng Ngọc Ba (thường trực Ủy ban Pháp luật) về sắp xếp vị trí việc làm, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà thông tin, vừa qua Bộ đã có nhiều hướng dẫn cụ thể. Tới đây, Bộ sẽ tham mưu để Ban chỉ đạo quản lý biên chế trung ương, Chính phủ tiếp tục nâng cao chất lượng vị trí việc làm, đáp ứng yêu cầu cải cách chính sách tiền lương và chất lượng công chức, viên chức.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói vấn đề tiền lương, cải cách tiền lương được cả nước quan tâm. Ông kỳ vọng với sự nỗ lực của Bộ Nội vụ, tới tháng 7/2024 sẽ đủ điều kiện để thực hiện việc này.
Không nên biến cơ chế đặc thù thành đại chúng
Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) nói "nhiệm kỳ này là nhiệm kỳ của thí điểm". Việc thực hiện thí điểm theo nữ đại biểu tuy có mặt tích cực là kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thi hành pháp luật cho địa phương, nhưng mặt khác lại tạo ra sự thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ của hệ thống pháp luật. Điều này gây ra tâm lý bất ổn định, không bình đẳng trong thực thi pháp luật giữa các địa phương, giữa các chủ thể tham gia vào quan hệ pháp luật.
Vì vậy, bà đề nghị Thủ tướng cho biết việc trình Quốc hội thông qua các nghị quyết về thực hiện thí điểm quá nhiều cơ chế, chính sách pháp luật như vừa qua có phải là biểu hiện của sự bất cập, thiếu chủ động trong tầm nhìn và về năng lực đề xuất xây dựng chính sách của Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan hay không?
"Đối với các chính sách đang thực hiện thí điểm, nếu thấy có hiệu quả tốt thì tại sao Chính phủ không khẩn trương xây dựng trình Quốc hội sửa đổi luật để áp dụng thống nhất mà vẫn tiếp tục đề xuất mở rộng phạm vi thí điểm trong một số dự án hay địa phương cụ thể. Như vậy có thể tạo kẽ hở cho tham nhũng về chính sách, hình thành cơ chế xin - cho hay không?", bà Thủy chất vấn.

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn. Ảnh: Ngọc Thành
Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết thời gian qua phải trình Quốc hội ban hành cơ chế thí điểm chính sách đặc thù tại một số địa phương. Đó là cơ chế thí điểm chi đầu tư công và chi thường xuyên; thí điểm một số chính sách thời gian Covid-19... Đây là những thí điểm khác quy định của luật, chỉ tuân thủ Hiến pháp.
"Tôi thấy rằng pháp luật là đại lượng chung quân bình của xã hội nên khi ra một văn bản quy phạm pháp luật thì không bao giờ bao quát được hết địa phương, ngành nghề, giai tầng xã hội", ông Long nói.
Theo ông, đây là cách "buộc phải làm để đáp ứng yêu cầu thực tế nhưng sau này không nên làm đại chúng". Giải pháp ông đưa ra là ban hành văn bản pháp luật sát thực tế hơn nữa, khi thiết kế luật phải linh hoạt để khi áp dụng từng trường hợp cụ thể có thể xử lý được.
Trong 180 phút chất vấn lĩnh vực tư pháp và nội chính, có 70 đại biểu đăng ký chất vấn, 37 người đã thực hiện quyền chất vấn và tranh luận. Chủ tịch Quốc hội đề nghị 33 đại biểu còn lại gửi yêu cầu đến thành viên Chính phủ và trưởng ngành để được trả lời bằng văn bản.
Xem diễn biến chính