Sáng 5/10, trong cái nắng nóng hơn 32 độ C, hàng trăm người dân Mường Phăng, Thành phố Điện Biên Phủ, tập trung về Khu di tích Mường Phăng để hỏi tin Tướng Giáp mất, nét mặt ai cũng lộ vẻ đau buồn. "Tôi không tin, bác phải sống để sang năm còn lên Mường Phăng dự kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ chứ", một cựu binh nghẹn ngào nói với ông Lò Văn Hoàng, Tổ trưởng tổ bảo vệ khu di tích.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa, Mường Phăng là nơi đặt Sở chỉ huy chiến dịch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chủ yếu sống và làm việc tại đây. Người dân xứ này vẫn nói với nhau rằng "tình người Mường Phăng với Tướng Giáp cao như ngọn núi Phăng quê mình". Ông Hoàng giải thích, đó là lý do nhiều người không tin ông đã đi xa mãi. Năm 2004 kỷ niệm 50 năm giải phóng Mường Phăng, tướng Giáp đã trở lại chiến trường xưa, tay bắt mặt mừng với dân xứ mường nên ai cũng mong được lần nữa nắm chặt tay ông trong kỷ niệm 60 năm.
Hôm nay tin tướng Giáp mất lan rộng khắp Mường Phăng. Ông Hoàng cho biết, người dân xứ này đổ về khu di tích để nghe ngóng thông tin và xem lại hình ảnh vị tướng một thời khiến lượng khách thăm tăng hơn 30% so với bình thường.
Giám đốc Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ Vũ Nam Hải vẫn nhớ như in ngày Đại tướng về Mường Phăng 9 năm trước. Ngay từ sáng sớm 19/4/2004 bà con đã tề tựu rất đông dọc con đường vào xã, nhất là ở bãi đất trước khu nhà đón tiếp. Có những người vượt gần 20 km đèo dốc, đi suốt từ nửa đêm để có mặt ở đây gặp tướng Giáp. Dân Mường Phăng khi ấy đã chúc ông sống lâu, mạnh khỏe để 10 năm sau trở lại nơi đây. Lời hẹn ấy nay đã dang dở.
Kỷ vật tướng Giáp tặng ông Hải năm ấy là cuốn sách Điện Biên Phủ có chữ ký cùng lời đề từ của vị tướng mà ông luôn nâng niu. "Bây giờ mỗi lần vào trong bảo tàng, nhất là đứng trước tấm phù điêu Bác Hồ làm việc với Đại tướng, tôi lại nghe lòng rưng rưng khó tả”, ông ông Hải bày tỏ.
Tại Hà Nội, được tin Đại tướng qua đời thông qua một người bạn làm bác sĩ ở Bệnh viện 108, đại tá Phạm Bá Hiến, nguyên chánh văn phòng Học viện chính trị Quân sự, không cầm được nước mắt. Ông Hiến đứng lặng trước tấm ảnh chụp cùng Đại tướng năm 1999, khi tướng Giáp tới dự lễ kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống chuyên gia và quân tình nguyện Việt Nam tại Lào. Bức ảnh chụp vị Tổng tư lệnh tối cao Quân đội Nhân dân Việt Nam bắt tay ông Hiến mặc quân phục được gia đình phóng to và treo trịnh trọng trong phòng khách.
Sáng nay, ông Hiến cùng các cựu chiến binh trong cùng tổ dân phố 12, phường Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội, gặp gỡ để cùng chia sẻ cảm xúc, ôn lại kỷ niệm với Đại tướng và nhắc lại chiến công của quân đội ta dưới tài chỉ huy quân sự của người anh cả.
Trong số các cựu chiến binh của tổ dân phố, ông Hiến tự hào mình nhiều lần được gặp và phục vụ trực tiếp tướng Giáp khi còn là lính thông tin. Đại tá về hưu chia sẻ, trước đây ông từng là chuyên gia quân sự ở Lào. Không ít lần Đại tướng tới Lào gặp các chuyên gia quân sự và tình nguyện Việt Nam. Sau này khi đi học ở học viện chính trị rồi ở lại công tác tại trường, ông Hiến cũng có dịp gặp gỡ vị Tổng tư lệnh. Mỗi lần được gặp bác Giáp, ông lại cảm thấy tự hào vì đều được Đại tướng nhận ra.
Trong ký ức của mình, ông Hiến không thể quên lần đầu tiên được trực tiếp gặp bác Giáp. “Năm ấy, tôi 20 tuổi và được giao nhiệm vụ vào sửa máy cho bác. Bước vào phòng, tôi hồi hộp và run bắn. Trông thấy tôi, bác Giáp mời vào rồi bảo tôi cứ làm nhiệm vụ của mình. Lúc tôi sửa xong, bác còn ân cần hỏi han về gia đình”, ông Hiến nhớ lại. Ông Hiến cho hay, thế hệ thanh niên trong quân đội bấy giờ luôn xem tướng Giáp là thần tượng. Ông hy vọng sẽ được tới dự lễ tang của đại tướng.
Từng là phó chủ tịch của Hội cựu chiến binh tỉnh Hà Tây (cũ), ông Kiều Hữu Thuần (74 tuổi) bất ngờ khi được người bạn già cùng khu thông báo tin tướng Giáp qua đời. Là một người lính từng vào sinh ra tử, ông Thuần mất vài phút lặng người để tưởng nhớ tới người anh cả. Nói chuyện khó khăn nhưng người cựu chiến binh ấy vẫn cố gắng kể rành mạch hồi ức của mình trong lần gặp Đại tướng năm 1969. Với ông, giây phút được gặp trực tiếp Đại tướng là kỷ niệm quý giá trong cuộc đời của người lính.
“Tôi thực sự đau xót khi nghe tin cụ ra đi. Là một người anh cả, việc cụ ra đi là mất mát không chỉ riêng gia đình Đại tướng mà còn là một tổn thất không gì bù đắp của quân đội và nhân dân ta”, ông Thuần chia sẻ.
Cùng chung tâm trạng với ông Hiến và ông Thuần, bà Lê Thị Thu Lành (64 tuổi) cũng không kìm chế được cảm xúc khi hay tin Đại tướng ra đi. Chưa từng một lần được gặp bác Giáp nhưng nữ cựu chiến binh ấy luôn giữ cho mình hình ảnh ngưỡng mộ, kính trọng về một vị tướng tài ba của dân tộc. Đi bộ đội từ năm 17 tuổi, lại từng trải qua những năm tháng chiến đấu, với bà Lành, hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và học trò xuất sắc của Người, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, luôn gắn liền với người lính ra chiến trường.
Sau này khi chiến tranh kết thúc, không có điều kiện tới thăm Đại tướng nhưng bà Lành vẫn luôn theo dõi và tìm hiểu tin tức về cuộc sống, bệnh tình của ông. Với bà, tướng Giáp mãi là tấm gương cả về lối sống, đạo đức để bà học tập, noi theo.
Chưa từng một lần được gặp trực tiếp nhưng trong tiềm thức của mình, ông luôn quý trọng hình ảnh một vị tướng tài ba. Ngày nhỏ, được đọc cuốn "Từ nhân dân mà ra", sau này đi công tác, được nghe kể nhiều kỷ niệm, tài quân sự của tướng Giáp, ông Lĩnh càng thêm ngưỡng mộ. Với ông, vị tướng ra đi nhưng hình ảnh, tấm gương và tiếng vang mãi còn trong trái tim của người Việt Nam và bạn bè thế giới.
Sinh ra trong thời bình nhưng những câu chuyện và tấm gương mẫu mực của vị tướng tài ba được anh Phạm Thanh Long (33 tuổi ở Phú Xuyên, Hà Nội) thuộc nằm lòng. Tối 4/10, không tin sự ra đi của tướng Giáp là sự thực, anh tìm đọc các tờ báo trong nước và quốc tế để xác minh. Ngay sau đó, hình ảnh đại diện trên Facebook của anh được thay bằng bức ảnh đen trắng chụp bác Giáp đứng bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng dòng cảm xúc: “Vô cùng thương tiếc bác”.
Theo anh Long, thế hệ trẻ như anh hôm nay được biết bác Giáp thông qua các phương tiện truyền thông. Tài năng và đức độ của Đại tướng không chỉ tiếp thêm sức mạnh cho một lớp thanh niên ra chiến trường một thời mà còn là nguồn cảm hứng cho lớp trẻ hiện tại và sau này.
Tại TP HCM, từ tối hôm trước, khi con trai lên mạng đọc tin và thông báo Đại tướng qua đời, ông Minh bần thần không làm được gì. Từ Lệ Thủy, Quảng Bình, vào TP HCM lập nghiệp đã 20 năm nay, ông Minh vẫn luôn canh cánh hướng về quê hương. Ông bảo tháng 10 này là những ngày tháng nghiệt ngã.
"Đợt bão số 10 vừa qua quê nhà đã gánh chịu quá nhiều thiệt hại, tang tóc. Nỗi đau chưa kịp nguôi thì lại đến tin vị tướng tài ba của dân tộc, người con xuất chúng của quê hương Quảng Bình qua đời. Dù biết Đại tướng tuổi đã cao nhưng mất mát này quá đỗi lớn lao", người đàn ông sắp tuổi lục tuần nghèn nghẹn bằng chất giọng đậm chất miền Trung.
"Ông biết tin tướng Giáp qua đời chưa?", câu chào đầu tiên của người bạn hàng xóm dành cho ông Hiền (quận 7, TP HCM) khi vừa ra khỏi nhà chạy thể dục sáng. Những đề tài thường ngày nhường chỗ cho câu chuyện về sự ra đi của vị tướng huyền thoại dân tộc. Là giáo viên dạy môn Lịch sử đã về hưu, chân dung vị tướng làm rạng danh non sông đã được ông Hiền truyền cho bao thế hệ học trò. Giờ không còn đứng trên bục giảng để chia sẻ với học trò, ông vẫn luôn theo dõi tin tức về đại tướng, người học trò xuất sắc của Bác Hồ qua báo chí.
"Không tin được dù đây là sự thật, tâm trạng cứ như thể tôi vừa mất đi người thân yêu của mình. Đêm qua tôi cứ trằn trọc mãi, những chiến công thần tốc của vị tướng tài đức vẹn toàn mà tôi từng nghiên cứu, tìm hiểu cứ như sống lại trong tôi. Chỉ biết nghiêng mình kính cẩn trước vong linh Đại tướng", ông Hiền xúc động.
Ra nước ngoài định cư gần 30 năm, từ Sydney của Australia xa xôi, anh Công Truyền cũng chia sẻ tâm trạng bàng hoàng của mình và thành kính thắp nén tâm hương qua những dòng cảm xúc trên mạng xã hội. Từng vinh hạnh được gặp tướng Giáp tại Huế, hình ảnh giản dị, ấm áp của vị tướng tài dân tộc đã in đậm trong trái tim ông suốt những năm tháng xa quê.
Nhóm phóng viên