Chiều 24/5, giải trình một số nội dung đại biểu góp ý vào dự thảo Luật Phòng thủ dân sự, đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Quốc phòng, cho biết quỹ phòng thủ dân sự đang có hai phương án trong dự thảo. Một là lập ngay để kịp thời sử dụng trong tình trạng thảm họa, sự cố và hai là chỉ lập khi có tình huống khẩn cấp, do Thủ tướng quyết định.
"Chính phủ chọn phương án thứ nhất là thành lập quỹ trước khi xảy ra các vụ việc, xuất phát từ bài học gần nhất là ứng phó với Covid-19", đại tướng Phan Văn Giang nói.
Ông kể, khi Covid-19 bùng phát, lực lượng vũ trang và y tế được Thủ tướng yêu cầu khẩn trương lập các bệnh viện dã chiến trong vùng dịch. Tuy nhiên, có Bộ trưởng nói để xây dựng bệnh viện dã chiến thời điểm này rất khó khăn, trang thiết bị giá hàng chục tỷ đồng lúc này cũng không mua được. Dù vậy, quân đội vẫn thành lập được 16 bệnh viện 500-1.000 giường ở nhiều địa phương từ Bắc vào Nam nhờ sử dụng hiệu quả nguồn lực sẵn có.
Khi cần chi viện lực lượng chống dịch cho các địa phương, quân đội cũng triển khai ngay trong đêm và có mặt hỗ trợ địa phương vào sáng hôm sau. Nhận nhiệm vụ vận chuyển vaccine đến mọi vùng miền của Tổ quốc, Quân đội lập tức sử dụng các phương tiện hiện có, kể cả máy bay vận tải, máy bay trực thăng (vì ôtô không thể đến được vùng không có đường hay nơi hải đảo); khôi phục xe UAZ để đưa vaccine đến khu dân cư biên giới.
Các xe cơ động Quân đội thường sử dụng để sản xuất ôxy phục vụ cho các lực lượng đặc biệt thì trong mùa dịch đã được huy động để sản xuất ôxy cho tất cả bệnh viện. "Rõ ràng phải cần phải có lực lượng dự bị, phải cần có vốn, có quỹ, nếu lúc đó chúng ta mới thành lập thì sẽ thất bại", Bộ trưởng Quốc phòng nói, "mong đại biểu Quốc hội ủng hộ cơ quan soạn thảo nội dung xây dựng quỹ Phòng thủ dân sự trước".
Theo đại tướng Phan Văn Giang, cơ quan soạn thảo đã tính toán không tăng biên chế vì quỹ sẽ giao cho Bộ Tài chính quản lý, tương tự như quỹ vaccine, khi cần thì Thủ tướng có thể quyết ngay.
13/16 ý kiến phát biểu tại hội trường Diên Hồng chiều nay đồng tình với lập luận của đại tướng Phan Văn Giang, cho rằng cần lập quỹ Phòng thủ dân sự trước để ứng phó các loại thảm họa, sự cố.
Đại biểu Dương Khắc Mai (Phó đoàn đại biểu Quốc hội Đắk Nông) cho rằng nguyên tắc hoạt động phòng thủ dân sự phải chuẩn bị từ sớm, từ xa. Các nguồn lực phải chuẩn bị từ trước chứ không để "nước đến chân mới nhảy". Tuy nhiên ông đề nghị các cơ quan phải quản lý hiệu quả, không để thất thoát.
Đại biểu Chau Chắc (Phó Chủ nhiệm Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang) cũng đồng tình lập quỹ trước vì hoạt động phòng thủ dân sự diễn ra trong không gian rất rộng, thời gian gấp rút, phức tạp liên quan đến tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước. Việc thành lập quỹ Phòng thủ dân sự cũng tạo ra nguồn lực lớn, kịp thời khắc phục thảm họa, sự cố, hạn chế thấp nhất thiệt hại.
"Nếu chờ đến trường hợp cấp bách mới quyết định thành lập quỹ này, e rằng không kịp giải quyết sự cố", ông Chắc nói.
Theo dự thảo, Quỹ phòng thủ dân sự là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, được thành lập ở trung ương và cấp tỉnh để huy động nguồn lực xã hội cứu trợ khẩn cấp về lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh và nhu cầu cấp thiết khác. Quỹ cũng hỗ trợ tu sửa nhà, làm nhà ở, cơ sở y tế, trường học.
Nguồn tài chính của Quỹ bao gồm hỗ trợ, đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài và điều tiết từ quỹ ngoài ngân sách... Chính phủ quy định chi tiết việc thành lập, quản lý, sử dụng quỹ.
Sau khi thảo luận tại hội trường chiều nay, dự thảo luật Phòng thủ dân sự sẽ được tiếp thu, hoàn thiện để trình Quốc hội thông qua ngày 20/6.