Chiều 30/3, Bộ Quốc phòng cử đoàn công tác gồm 80 người, hàng chục tấn hàng hóa, trang thiết bị và 6 chó nghiệp vụ xuất quân khắc phục hậu quả động đất tại Myanmar.
Tại lễ giao nhiệm vụ, đại tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Quốc phòng, cho biết 80 quân nhân là những cán bộ, chiến sĩ nòng cốt được tuyển chọn từ các Đội hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa quốc tế thuộc Binh chủng Công binh, bệnh viện quân đội, Bộ đội Biên phòng và Cục Cứu hộ - Cứu nạn. Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó cục trưởng Cứu hộ - Cứu nạn, người có kinh nghiệm cứu trợ Thổ Nhĩ Kỳ, sẽ đảm nhiệm vai trò Tổng chỉ huy toàn bộ lực lượng.
Theo Tổng tham mưu trưởng, dù đang có chuyến công tác tại miền Trung, Bộ trưởng Quốc phòng, đại tướng Phan Văn Giang, đã trực tiếp chỉ đạo "phải triển khai ngay lực lượng hỗ trợ nước bạn". Chỉ chưa đầy 20 tiếng, các cơ quan, đơn vị liên quan đã hoàn tất mọi công tác chuẩn bị, từ tư tưởng, tinh thần, lực lượng, tổ chức, trang thiết bị đến hậu cần, sẵn sàng cho nhiệm vụ tại Myanmar.

Đại tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Ảnh: Trọng Đức TTXVN
Tổng tham mưu trưởng chỉ rõ những thách thức mà đoàn công tác phải đối mặt tại nước bạn như tình hình an ninh chính trị phức tạp, hậu quả nặng nề của động đất, cùng với điều kiện giao thông và thời tiết khắc nghiệt. Ông yêu cầu đoàn công tác phải chủ động khắc phục mọi trở ngại để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đoàn phải phát huy tối đa sự năng động, sáng tạo và nỗ lực để đạt được hiệu quả cao nhất trong thời gian ngắn nhất, đồng thời bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và trang bị. Mỗi cán bộ, chiến sĩ phải luôn sẵn sàng giúp đỡ nhân dân Myanmar trong khả năng và điều kiện cho phép, tránh gây phiền hà đến chính quyền và người dân địa phương; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các lực lượng quốc tế.
"Những vấn đề khó khăn, phức tạp, nhạy cảm phải kịp thời xin ý kiến lãnh đạo Bộ Quốc phòng, còn những vấn đề thuộc quyền có thể quyết định được thì chỉ huy cần bàn bạc với nhau để xử lý ngay với tinh thần tướng quân tại ngoại", đại tướng Nguyễn Tân Cương nói, đồng thời giao Tổng công ty Viễn thông quân đội Viettel đảm bảo trang thiết bị liên lạc cho đội cứu hộ.
Đại tướng Nguyễn Tân Cương tin tưởng với tinh thần trách nhiệm và năng lực, lực lượng sẽ lập được những thành tích đáng tự hào, góp phần chào mừng kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước và 80 năm Quốc khánh.

Đại tướng Nguyễn Tân Cương động viên cán bộ chiến sĩ trước giờ lên đường cứu trợ Myanmar. Ảnh: Anh Phú
Trong số 80 quân nhân được cử đi cứu hộ tại Myanmar có 3 người từ Cục Cứu hộ - Cứu nạn; 2 người từ Cục Đối ngoại; 2 người của Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam; một đại diện Cục Bảo vệ An ninh Quân đội; 30 quân y...
Trường Trung cấp 24 Biên phòng đóng góp 9 cán bộ, huấn luyện viên cùng 6 chó nghiệp vụ đặc biệt huấn luyện cho công tác tìm kiếm cứu nạn. Quân tư trang thiết yếu được trang bị cho lực lượng này gồm quần áo, chăn ấm, đèn pin chiếu sáng, bộ đàm liên lạc, khung nhà bạt dã chiến, máy phát điện phục vụ sinh hoạt và công tác, cùng các loại thuốc men, mì tôm và lương khô dự phòng.
Lữ đoàn 229 thuộc Binh chủng Công binh cử 6 sĩ quan và 24 quân nhân chuyên nghiệp tham gia đoàn công tác. Những quân nhân này có trình độ chuyên môn cao, sức khỏe tốt và nhiều người trong số họ có khả năng sử dụng tiếng Anh để dễ dàng trao đổi, phối hợp quốc tế. Phần lớn cán bộ, chiến sĩ đã có kinh nghiệm thực tế tham gia các chiến dịch cứu hộ, cứu nạn thảm họa trước đây, đảm bảo năng lực ứng phó hiệu quả trong tình huống khẩn cấp.
Đội cứu hộ được trang bị nhiều loại khí tài và thiết bị công binh hiện đại, thiết kế gọn nhẹ, cơ động và chuyên dụng cho công tác cứu hộ, cứu nạn trong môi trường phức tạp. Đó là thiết bị dò tìm âm thanh DESA, radar tìm kiếm âm thanh và hình ảnh, thiết bị thủy lực hỗ trợ công tác đào bới, và đặc biệt là thiết bị tìm kiếm nạn nhân dưới đống đổ nát cầm tay PO-900. Cùng với đó, đoàn cũng được đảm bảo đầy đủ vật chất cần thiết cho sinh hoạt trong quá trình làm nhiệm vụ.
Chuyến bay chở đoàn công tác Việt Nam dự kiến cất cánh đi Myanmar vào lúc 15h ngày 30/3. Ngay chiều cùng ngày, lãnh đạo của Đoàn sẽ họp trực tiếp với lực lượng cứu nạn đang hoạt động tại hiện trường để hiệp đồng tác chiến, tiếp nhận thông tin về khu vực cứu nạn - cứu hộ được phân công, và sẵn sàng bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ từ sáng hôm sau.

Quân y lên đường thực hiện nhiệm vụ. Ảnh: Anh Phú
Trận động đất mạnh 7,7 độ diễn ra ở Myanmar vào trưa 28/3, tâm chấn cách thành phố Mandalay khoảng 20 km. Động đất làm rung chuyển cả khu vực, khiến đường sá nứt toác, chùa tháp cổ sụp đổ, cầu gãy và nhà cửa đổ nát. Chỉ trong vài giây, nhiều khu dân cư bị phá hủy hoàn toàn. Người dân nhiều nước lân cận như Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc và Việt Nam cũng cảm nhận được chấn động.
Chính quyền Myanmar đêm 29/3 cập nhật số người chết do động đất là 1.644, số người bị thương là 3.408. Ngoài ra, giới chức Myanmar ghi nhận ít nhất 139 trường hợp mất tích.
Tháng 2/2023, Việt Nam đã cử lực lượng cứu hộ gồm quân đội và công an sang Thổ Nhĩ Kỳ tham gia hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn sau thảm họa động đất.
Sơn Hà