Ngày 17/3, kỷ niệm 110 năm ngày sinh đại tướng Chu Huy Mân, Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và tỉnh Nghệ An tổ chức hội thảo "Đại tướng Chu Huy Mân nhà chính trị, quân sự xuất sắc của cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Nghệ An".
Ông Chu Huy Mân tên khai sinh là Chu Văn Điều, sinh ngày 17/3/1913 tại phủ Hưng Nguyên, nay là xã Hưng Hòa, TP Vinh, tỉnh Nghệ An. 16 tuổi ông tham gia hoạt động cách mạng, 17 tuổi được kết nạp Đảng Cộng sản Đông Dương. Nhiều lần ông bị thực dân Pháp bắt giam, nhưng đã vượt ngục tham gia lãnh đạo phong trào cách mạng ở Quảng Nam năm 1945.
Trong kháng chiến chống Pháp, ông Chu Huy Mân để lại nhiều dấu ấn. Theo kỷ yếu hội thảo, tháng 11/1953, thực dân Pháp cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc đó giao nhiệm vụ cho Chính ủy Đại đoàn 316 Chu Huy Mân phải cắt bằng được con đường Lai Châu - Điện Biên Phủ, không cho quân Pháp co về Điện Biên Phủ, đồng thời giải phóng Lai Châu.
Ông Chu Huy Mân đã chỉ huy Đại đoàn 316 liên tục tiến công, truy kích quân Pháp trên đoạn đường 300 km. Sau 12 ngày đêm, bộ đội giải phóng toàn bộ Lai Châu, tiêu diệt bộ phận quan trọng sinh lực địch, lập thắng lợi đầu tiên của chiến dịch Đông - Xuân.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Mân cùng Bộ Tư lệnh Đại đoàn 316 chỉ huy đơn vị đập tan các cứ điểm C1, C2, A1 trên hướng phòng ngự phía Đông của thực dân Pháp.
Trong kháng chiến chống Mỹ, ông Mân hoạt động ở chiến trường Khu 5 - Tây Nguyên. Trước nguy cơ Chiến tranh đặc biệt bị phá sản, từ tháng 3 đến 5/1965, Mỹ đưa 9.900 quân đổ bộ Đà Nẵng, Quảng Nam. Mùa hè 1965, Mỹ cùng quân đồng minh ồ ạt đổ vào miền Nam, tiến hành Chiến tranh cục bộ.
Ông Chu Huy Mân được giao nhiệm vụ Tư lệnh kiêm Chính ủy Mặt trận Tây Nguyên từ tháng 8/1965. Sau khi đi thực địa đánh giá tình hình, ông nêu quyết tâm "trước hết phải dám đánh Mỹ, cứ đánh khắc tìm ra cách đánh", và đưa ra phương châm "vừa học, vừa làm, vừa chiến đấu, vừa rèn luyện".
Hệ thống làng xã, thôn ấp được xây dựng thành thế trận "vành đai diệt Mỹ", bao quanh, áp sát các căn cứ Mỹ, phát huy thế trận chiến tranh nhân dân. Với cách đánh này, quân giải phóng cùng sự hỗ trợ của người dân đã giành thắng lợi tại trận Núi Thành (5/1965) và Vạn Tường (8/1965).
Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, ông Chu Huy Mân với cương vị Tư lệnh Quân khu 5 đã chỉ đạo dùng một bộ phận đặc công, pháo cối đánh Mỹ và quân Việt Nam Cộng hòa ở thành thị, còn đại bộ phận rút về vùng nông thôn giữ vững thế trận. Chủ trương này của Quân khu 5 đã được Bộ Chính trị biểu dương.
Mỹ sau đó chuyển sang chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh, tập trung bình định vùng nông thôn, tiêu diệt quân giải phóng. Đứng trước tình thế đó, Tư lệnh Chu Huy Mân đã chỉ đạo, tổ chức đánh hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, làm phá vỡ từng mảng phòng ngự cơ bản của đối phương.
Mùa xuân 1975, sau thắng lợi của chiến dịch Tây Nguyên, Tư lệnh Quân khu 5 Chu Huy Mân đề nghị Ban thường vụ Khu ủy và Quân khu đẩy nhanh tốc độ tiến công, tiêu diệt Sư đoàn 2 quân đội Sài Gòn, giải phóng Tam Kỳ (Quảng Nam). Ông cũng góp công vào chiến dịch giải phóng Đà Nẵng sau đó.
Với những đóng góp to lớn, ông Chu Huy Mân được thăng hàm vượt cấp từ thiếu tướng lên thượng tướng năm 1974; thăng hàm đại tướng năm 1980. Năm 1982, ông được Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu vào Bộ Chính trị, được tặng thưởng Huân chương sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh. Tháng 12/1986, ông về nghỉ hưu và mất tháng 7/2006.
Tại hội thảo hôm nay, thượng tướng Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng, khẳng định với tư duy sắc bén, tầm nhìn chiến lược, đại tướng Chu Huy Mân có nhiều đóng góp to lớn vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Trong kháng chiến chống Mỹ, đại tướng gắn bó với chiến trường Khu 5 - Tây Nguyên, vận dụng sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng, nghệ thuật quân sự Việt Nam vào thực tiễn chiến trường.
Hải Chi