Hãng tin AP mới đây đã gọi tên những biến động kinh tế trong một năm qua là cuộc Đại Suy thoái (Great Recession) - tình trạng tăng trưởng kinh tế bị chậm lại hoặc suy giảm, và thông thường là một phần của chu kỳ kinh tế. Tính trạng này bớt nghiêm trọng hơn những gì diễn ra trong cuộc Đại Khủng hoảng năm 1929-1930 (Great Depression) - khi rất nhiều nền kinh tế bị trì trệ trong một thời gian dài.
Vào thời điểm này một năm trước, chỉ số công nghiệp Dow Jones có mức sụt giảm mạnh nhất trong lịch sử - trong vòng 8 ngày, chỉ số này mất tới 2.400 điểm, tương ứng 22% và rơi xuống mức 8.451 điểm.
Đến nay, sau một năm, Dow Jones trở lại mức 9.865 điểm, tăng 51% so với mốc thấp nhất trong 12 năm qua là 6.547 điểm hôm 9/3, khi nhiều nhà đầu tư hoảng loạn tới mức họ cho rằng nền tài chính thế giới đã đến hồi chấm dứt.
Nhưng để câu chuyện về DJI được đầy đủ, cần kể đến dấu mốc trước đó mà DJI đã thiết lập vào ngày 7/10/2007, khi chỉ số này lên cao nhất trong lịch sử - 14.164 điểm.
![]() |
Một nhân viên môi giới chứng khoán tại phố Wall vào tháng 10/2008. |
Trong vòng chỉ 5 tháng, từ tháng 10/2007 đến giữa tháng 3/2008, thị trường chứng kiến sự sụp đổ của ngân hàng đầu tư Bear Stearns và Dow Jones giảm 2.000 điểm. Giới đầu tư đến lúc này đã dự đoán về một cuộc suy thoái thông thường.
Đến tháng 9, chỉ trong vòng 10 ngày, liên tiếp Fannie Mae, Freddie Mac, Lehman Brothers và AIG tiến đến bên bờ phá sản, trong đó Bộ Tài chính Mỹ quyết định "buông tay" để định chế tài chính 158 năm tuổi Lehman Brothers sụp đổ. Sự phá sản của định chế này khiến thị trường tài chính thế giới rung chuyển và được coi là dấu mốc cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu - khi các thị trường tín dụng đóng băng, nhà đầu tư hoảng loạn do lo ngại về một cuộc đại khủng hoảng khác, tương tự những gì đã diễn ra vào năm 1929-1930. Sau đó, chỉ trong vòng 6 tháng, Dow Jones mất 5.000 điểm.
Vậy chúng ta đang đứng ở đâu? Sự phục hồi của thị trường phố Wall, đi cùng sự hồi phục của nền kinh tế lớn nhất thế giới, đã diễn ra trong 7 tháng gần đây và giúp lấy lại mức điểm của các chỉ số. Nhưng không nhiều người kỳ vọng Dow Jones sẽ sớm lấy lại được ngưỡng điểm 10.000. Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ đang tiến gần mức 10%, dù nhiều lĩnh vực đang dần ổn định trở lại. Cơn hoảng loạn của thị trường tài chính diễn ra tròn một năm trước đây được nhận định là đã qua, nhưng có thể sẽ phải mất hàng năm nữa nền kinh tế Mỹ mới lấy lại được đà tăng trưởng như trước.
Dưới đây là những con số ấn tượng của một năm khủng hoảng, kể từ tuần sụt giảm kỷ lục một năm về trước:
11.200 tỷ USD: Tổng thiệt hại của thị trường chứng khoán kể từ khi Dow Jones đạt được mức đỉnh vào tháng 10/2007 đến khi chạm đáy vào tháng 3/2009.
4.600 tỷ USD: Tổng lợi nhuận của thị trường kể từ tháng 3 đến nay.
6: số lần chỉ số Dow Jones sụt giảm tồi tệ nhất trong lịch sử 113 năm của chỉ số này, đều trong năm 2008, trong đó lần sụt giảm mạnh nhất là mức 777 điểm vào ngày 29/9/2008.
92%: Giá cổ phiếu của tập đoàn ngân hàng lớn nhất Mỹ Citigroup đã giảm tới 92%, từ mức 13,9 USD vào ngày 10/10/2008 xuống 1,05 USD vào ngày 9/3 vừa qua.
341%: Cũng là giá cổ phiếu Citi, đã tăng trở lại trong cùng ngày 9/3, từ 1,05 USD lên 4,3 USD.
6.500 tỷ USD: Giá trị tài sản của các quỹ đầu tư chứng khoán vào cuối năm 2007
3.700 tỷ USD: Đến cuối năm 2008, giá trị tài sản của các quỹ sụt xuống mức tệ hại này.
855,4 USD: Giá 1 ounce vàng vào ngày 10/10/2008.
1.048, USD: Giá 1 ounce vàng vào ngày 10/10 vừa qua, là một kỷ lục mới về giá kim loại quý.
95,2: Chỉ số niềm tin của người tiêu dùng cách đây 2 năm.
25,3: Chỉ số sụt xuống mức này vào tháng 2 vừa qua, thấp kỷ lục.
4,75%: Lãi suất cơ bản tại Mỹ do FED quy định 2 năm trước
0-25%: Lãi suất cơ bản tại Mỹ hiện nay
975 tỷ USD: Tổng dư nợ trong thẻ tín dụng của người Mỹ trong tháng 9 năm ngoái
899 tỷ USD: Tổng dư nợ trong thẻ tín dụng của người Mỹ vào tháng 8 vừa qua, đã giảm 8%. Suy thoái kinh tế đã làm cho người Mỹ thận trọng hơn trong chi tiêu.
Ngọc Châu