"Chúng tôi có chính sách độc lập trong quan hệ ngoại giao, chúng tôi sẽ không để quan hệ của mình với bất kỳ nước nào gây hại đến bên thứ ba hay nước thứ ba", Đại sứ Phạm Quang Vinh trả lời câu hỏi về việc Mỹ đề nghị Việt Nam dừng cho máy bay Nga vào cảng Cam Ranh tiếp dầu. Ông có cuộc nói chuyện tại "Diễn đàn Việt Nam" ở Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Mỹ, hôm qua. Tham dự tọa đàm còn có Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius.
Reuters mới đây dẫn lời một quan chức ngoại giao Mỹ giấu tên cho biết Washington đã đề nghị Hà Nội ngừng để Nga sử dụng căn cứ Cam Ranh để tiếp dầu cho máy bay ném bom. "Chúng tôi đã thúc giục các quan chức Việt Nam đảm bảo để Nga không thể sử dụng việc tiếp cận căn cứ Cam Ranh để tiến hành các hoạt động gây căng thẳng trong khu vực", quan chức này nói.
Theo ông Vinh, Việt Nam mở cửa cho tất cả các nước sử dụng dịch vụ hậu cần ở cảng Cam Ranh, và điều đó không gây hại đến bất kỳ nước nào. "Việt Nam và Mỹ đã thảo luận vấn đề này và có sự hiểu nhau rõ ràng", ông Vinh nói.
"Việt Nam muốn Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương, điều này mang tính tượng trưng chính trị. Năm nay hai nước kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, vì thế cần bình thường hóa mọi mặt, bao gồm cả lệnh cấm bán vũ khí sát thương", Đại sứ Phạm Quang Vinh đề nghị.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius cho rằng Mỹ đang là đối tác mới mẻ với Việt Nam về phương diện mua bán vũ khí, việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương phụ thuộc vào sự cải thiện của các lĩnh vực mà hai bên còn đang thảo luận, trong đó có vấn đề nhân quyền. Hiện Mỹ đã cung cấp các tàu tuần tra cho Việt Nam dùng cho việc bảo đảm an ninh hàng hải, nhưng việc bán và chuyển giao vũ khí thì chưa ký kết.
Đại sứ Vinh cho rằng Việt Nam và Mỹ cần xác định nhu cầu của nhau, Việt Nam cần thiết bị nào và Mỹ có thể cung cấp gì. Ông Vinh cũng nhấn mạnh hai nước đang trong quá trình thảo luận để hiểu nhau hơn, việc Việt Nam đề nghị Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương là nằm trong chính sách phòng vệ của Việt Nam.
Trao đổi về triển vọng hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ, Đại sứ Phạm Quang Vinh khẳng định hai nước có nền tảng vững chắc để tiến xa hơn trong tương lai. Hai bên đã ký kết quan hệ Đối tác Toàn diện năm 2009 bao trùm nhiều lĩnh vực, nỗ lực hàn gắn vết thương trong quá khứ như giải quyết vấn đề người Mỹ mất tích trong chiến tranh (MIA), tẩy độc chất dioxin tại Việt Nam, tăng mạnh trao đổi thương mại hai chiều, số sinh viên Việt Nam đang học tại Mỹ hiện ở mức 16.500.
Ông Vinh cũng nhắc lại lời Tổng thống Mỹ Barack Obama rằng năm nay, khi hai nước kỷ niệm 20 thiết lập quan hệ ngoại giao, là năm có tính lịch sử và mang lại cơ hội có một không hai để Việt Nam và Mỹ đưa quan hệ lên tầm cao mới. Việt Nam và Mỹ có thể hợp tác với ASEAN đảm bảo an ninh hàng hải, vì hòa bình và ổn định của khu vực, thực hiện cấu trúc khu vực tuân theo luật pháp quốc tế.
"Tiềm năng hợp tác của chúng ta rất to lớn và chúng ta có thể cùng nhau hợp tác nhiều vấn đề", ông Vinh nói.
Đại sứ Mỹ Ted Osius đùa rằng nếu những người tham gia cuộc giao lưu trông đợi tranh luận giữa ông với Đại sứ Vinh thì họ sẽ thất vọng, bởi ông nhất trí với ông Vinh về tầm nhìn trong quan hệ hai nước. Năm nay Việt Nam và Mỹ có thể tận dụng các chuyến thăm cấp cao giữa hai bên để thúc đẩy tiến độ hợp tác trong một số lĩnh vực chủ chốt. Trong đó có hợp tác về an ninh hàng hải, quốc phòng, đầu tư, giáo dục, nhân quyền.
Đại sứ Osius cũng bày tỏ tin tưởng hai nước có thể hoàn tất Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong năm nay. Việt Nam và Mỹ có thể tăng gấp đôi kim ngạch thương mại, Mỹ có thể trở thành nhà đầu tư số một tại Việt Nam. Việc thiết lập đường bay thẳng giữa Việt Nam và Mỹ cũng mở ra nhiều cơ hội cho giao thương, giáo dục và du lịch, theo ông Osius.
Việt Anh