Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Ngọc Sơn trao đổi với VnExpress về các ưu tiên trong hợp tác song phương, khi Tổng thống Pháp Francois Hollande thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam ngày 5-7/9.
- Xin Đại sứ cho biết ý nghĩa chuyến thăm này?
- Nếu như Tổng thống Pháp Francois Mitterrand là tổng thống phương Tây đầu tiên thăm Việt Nam sau chiến tranh vào năm 1993, thì chuyến thăm lần này của ông Hollande có thể coi là sự kiện góp phần cho thấy vị thế của Việt Nam được nâng lên rất nhiều trên trường quốc tế. Việt Nam gần đây liên tiếp đón tiếp nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ của 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ), gồm Tổng thống Mỹ Barack Obama (đến thăm tháng 5 năm nay), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (tháng 11/2015), Thủ tướng Anh David Cameron (tháng 7/2015) và Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev (tháng 4/2015). Trước chuyến thăm của Tổng thống Pháp, Thủ tướng Ấn Độ Narendra cũng vừa có chuyến thăm thành công đến Việt Nam.
Với quan hệ song phương, sự kiện ông Hollande đến thăm Việt Nam là dịp để hai bên xem xét lại nội hàm Đối tác chiến lược thiết lập từ 2013, định ra khuôn khổ hợp tác tương lai. Nó sẽ tạo nên một luồng gió mới cho hợp tác Việt - Pháp.
- Đối tác chiến lược Việt - Pháp có đặc điểm gì nổi bật thưa ông?
- Tôi cho rằng hai nước có lịch sử chung từ lâu đời, trong đó có trang sử buồn nhưng hai bên đã biết vượt lên để thiết lập quan hệ đối tác toàn diện và thân thiện. Việt - Pháp có nhiều điểm tương đồng và khá hiểu biết về nhau. Người Việt Nam biết đến các nhà văn, nhạc sĩ Pháp, ngược lại Pháp cũng nghiên cứu nhiều về Việt Nam nói riêng và Đông Dương nói chung.
- Trong bối cảnh căng thẳng ở Biển Đông gia tăng hiện nay, ông nhận thấy sự quan tâm của Pháp thế nào?
- Pháp đang thể hiện rõ hơn quan điểm về tình hình Biển Đông, nhất là khi Bộ trưởng Quốc phòng nước này Jean Yves Le Drian có bài phát biểu tại Đối thoại Shangri la lần thứ 15 tại Singapore đầu tháng 6 vừa qua. Ông Drian đã đề nghị hải quân châu Âu phối hợp tuần tra tại các vùng biển châu Á, trong đó có Biển Đông, để củng cố một trật tự hàng hải dựa trên các nguyên tắc.
Bộ trưởng Drian cảnh báo nếu các luật trên biển không được tôn trọng ở khu vực này, chúng cũng có thể bị thách thức ở Bắc Băng Dương hoặc Địa Trung Hải, vì thế Pháp muốn kêu gọi hải quân các nước châu Âu hiện diện "thường xuyên và hữu hình" tại Biển Đông.
Đến thăm Việt Nam sau Shangri la, ông Drian cũng đề cao vai trò của việc tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), khẳng định sẽ cùng với Liên minh Châu Âu (EU) sớm gia tăng các biện pháp nhằm góp phần đảm bảo an ninh, an toàn, tự do đi lại tại Biển Đông theo luật pháp quốc tế.
- Ngoài Bộ Quốc phòng, mối quan tâm này được thể hiện ở các cơ quan, thành phần xã hội khác của Pháp như thế nào?
- Chính giới và các nhà nghiên cứu Pháp cũng theo dõi sát diễn biến trên Biển Đông. Sau khi Toà trọng tài phụ lục VII UNCLOS ra phán quyết với vụ kiện của Philippines, trong đó bác bỏ "đường lưỡi bò" của Trung Quốc, truyền thông Pháp đã đăng tải rất nhiều bài đánh giá, phân tích. Dư luận Pháp nói chung đề cao việc duy trì tự do hàng hải, hàng không ở các vùng biển quốc tế, trong đó có Biển Đông.
- Phía Pháp cho hay họ sẵn sàng cung cấp các thiết bị quân sự, sự đón nhận của Việt Nam ở mức nào?
- Tôi cho rằng Việt Nam sẵn sàng mở rộng hợp tác quốc phòng với Pháp. Lĩnh vực này thực sự phát triển mạnh thời gian qua, sau khi hai bên có khuôn khổ Đối tác chiến lược. Hai nước đều có văn phòng tuỳ viên của nhau ở thủ đô mỗi nước và Pháp hỗ trợ Việt Nam đào tạo các cán bộ quân sự.
Về thiết bị quân sự, hai nước đang trao đổi một số dự án, nhưng kết quả thế nào chúng ta phải chờ đợi.
- Cá nhân Đại sứ mong muốn hai nước thúc đẩy lĩnh vực nào?
- Sau hơn một năm đảm nhiệm vai trò Đại sứ, tôi nhận thấy doanh nghiệp Pháp còn ít biết đến Việt Nam, trong khi các doanh nghiệp của chúng ta cho rằng công nghệ của Pháp tốt nhưng giá thành còn quá cao so với khả năng tài chính của họ, và so với công nghệ của các nước châu Á. Đó có thể là nguyên nhân khiến hợp tác kinh tế chưa phát triển tương xứng.
Kim ngạch trao đổi thương mại song phương năm ngoái mới đạt hơn 4 tỷ euro, khoảng 300 doanh nghiệp Pháp đang kinh doanh tại Việt Nam. Các con số này còn khiêm tốn, do đó một trong các ưu tiên của tôi là làm sao thúc đẩy hợp tác kinh tế.
Bên cạnh đó, hợp tác chống biến đổi khí hậu (BĐKH) và bảo vệ môi trường cũng là một ưu tiên. Trong khi Pháp là nước có thế mạnh về bảo vệ môi trường và chống BĐKH, thì Việt Nam là một trong 5 nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
- Ông kỳ vọng gì vào chuyến thăm của Tổng thống Pháp?
- Điều tôi chờ đợi nhất là hai nước sẽ định ra khuôn khổ hợp tác cho các năm tới, cụ thể hoá quan hệ Đối tác chiến lược, tìm cách để Chính phủ và doanh nghiệp Pháp quan tâm hơn đến Việt Nam.
Mặc dù hai bên ký kết Đối tác chiến lược từ 2013 nhưng mới có cơ chế đối thoại kinh tế cấp cao hàng năm hoặc hai năm một lần. Do đó chuyến thăm của ông Hollande có thể đưa ra định hướng dài hơi hơn, là dịp để hai bên bàn bạc về phương hướng phát triển đó.
Trong chuyến thăm này sẽ có nhiều bộ trưởng và đoàn doanh nghiệp Pháp đi tháp tùng, hai bên sẽ ký hơn 20 văn kiện hợp tác. Chắc chắn chuyến thăm sẽ tạo nên cú hích cho hợp tác song phương.
Tôi cho rằng Việt Nam và Pháp cần có chính sách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp của nhau, có những linh hoạt để lợi ích hai bên gặp nhau. Chúng ta cần thay đổi tư duy trước đây "Pháp là bên cho, Việt Nam là bên nhận", bây giờ là lúc cần thể hiện rõ tinh thần hai bên cùng có lợi. Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) với khối EU, mà Pháp là một thành viên. Quan hệ song phương cũng phát triển lên tầm cao mới, tư duy "cùng thắng" cần được thể hiện rõ trong tất cả các khuôn khổ hợp tác.
Xem thêm: Đại sứ Pháp: 'Chúng tôi sẵn sàng đáp ứng nhu cầu thiết bị quân sự của Việt Nam'
Việt Anh