![dai-su-quan-xac-dinh-lao-dong-viet-o-nhat-khong-bi-nguoc-dai](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2016/03/19/lao-dong-viet-7169-1458383726.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=2ktzDlT-JV1raygfPxGJzg)
Các lao động Việt tại công ty Sennai. Ảnh: Vietnam+
Liên quan đến thông tin trên mạng gây xôn xao dư luận, xuất phát từ đơn đề nghị giúp đỡ mà lao động Nguyễn Quang Hưng gửi đến Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản ngày 15/3, cho rằng 43 lao động Việt Nam tại nhà máy Seinan tỉnh Iwate bị công ty Nhật Bản chèn ép, đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản chiều ngày 18/3 đã trực tiếp đến nhà máy Seinan, tỉnh Iwate để kiểm tra tình hình thực tế.
Tại đây, đại diện sứ quán Việt Nam đã gặp gỡ, trao đổi và kiểm tra các điều kiện sinh hoạt, làm việc hiện tại của các lao động Việt Nam tại Seinan. Trước hết, con số 43 lao động Việt Nam đang làm việc tại Seinan đang lan truyền trên mạng là không chính xác.
Xem thêm: Đơn cầu cứu của lao động Nguyễn Quang Hưng
Hiện tại, nếu không tính lao động Nguyễn Quang Hưng, tổng số lao động Việt Nam tại nhà máy này là 8 người. Trong đơn đề nghị giúp đỡ, lao động Nguyễn Quang Hưng cũng nói rõ 43 người là số người cùng ăn trưa, trong đó bao gồm cả người Việt Nam và Nhật Bản.
Về lịch trình sinh hoạt và làm việc, 8 lao động Việt Nam cho biết họ có thời gian nghỉ trưa, nghỉ giải lao giữa giờ và kết thúc công việc vào 19h. Họ được nghỉ chủ nhật và ngày lễ của Nhật.
Các lao động Việt cho biết tổng thu nhập hàng tháng là hơn 200.000 yen (khoảng 40 triệu VND). Sau khi trừ chi phí tiền nhà và sinh hoạt, lao động còn giữ lại khoảng 100.000 - 120.000 yen (từ 20 - 24 triệu VND). 8 lao động Việt tại Seinan cho biết họ hài lòng với điều kiện làm việc, công việc, sinh hoạt hiện tại.
Công ty Seinan bố trí cho các lao động Việt ở tại một khu nhà xây dựng cách đây 40 năm trong khuôn viên nhà máy. Phòng ở rộng khoảng 25 m2, trong đó có một tủ lạnh, một lò sưởi ấm, 4 giường đôi cho 8 người ở.
Theo quy định của Tổng công ty Freesia, tất cả lao động Việt đều phải trả tiền nhà hàng tháng là 39.000 yen (khoảng 8 triệu VND) và tiền gas, điện nước là 8.000 yen (khoảg 1,6 triệu VND). Trong 39.000 yen tiền nhà, công ty chỉ thu 25.000 yen/người/tháng (5 triệu VND), còn lại 14.000 yen, công ty giữ giúp các lao động trong thời gian một năm, để sau một năm các lao động muốn tự thuê nhà sẽ dùng số tiền tiết kiệm đó làm tiền đặt cọc thuê nhà. Các lao động cũng nói rằng khẩu phần ăn bữa trưa hàng ngày tại công ty đảm bảo và phù hợp.
Khi đề cập đến lao động Nguyễn Quang Hưng, người đã gửi đơn đề nghị giúp đỡ đến sứ quán, 8 lao động Việt Nam cho biết anh Hưng sống cùng nhưng không hoà nhập với tập thể và các lao động khác. Đại diện công ty cho biết sau khi đến nhà máy, do thời tiết lạnh nên anh Hưng đã đề nghị công ty cho chuyển sang nhà máy khác.
Trong công việc, anh Hưng cũng không có sự chủ động, tự giác trong công việc mà phải nghe sự nhắc nhở của người Nhật làm cùng thì mới làm việc. Anh Hưng cũng không chịu khó học tiếng Nhật. Từ ngày 1/3, công ty thông báo chấm dứt hợp đồng lao động Nguyễn Quang Hưng và cho về nước. Đến ngày 14/3, công ty đã có quyết định chính thức, nên anh Hưng đã rời khỏi nhà máy Seinan đi đến ở trung tâm của Tổng Công ty Freesia ở Tokyo để tiếp tục giải quyết.
Sau khi xem xét thực tế tình hình và trao đổi với người lao động, đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đã trao đổi với công ty Seinan và Tổng công ty Freesia House, cho rằng việc trừ tiền thuê nhà theo mức chung với toàn bộ số lao động nói trên là không phù hợp mà phải theo điều kiện thực tế ngôi nhà và địa phương.
Đại diện Đại sứ quán đề nghị công ty xem xét để đưa ra mức tiền nhà phù hợp hơn cũng như cải thiện các điều kiện nhà ở cho người lao động. Đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản cho biết sẽ tiếp tục làm việc với công ty về các vấn đề trên để đảm bảo quyền lợi phù hợp cho người lao động.
Theo TTXVN