Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc Pauline Tamesis, Trưởng phái đoàn Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) Park Mihyung cùng đại sứ các nước Mỹ, Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thụy Điển và Anh hôm nay ra thông điệp tôn vinh sức mạnh của phụ nữ và trẻ em gái Việt Nam, cũng như đưa ra khuyến nghị để thu hẹp khoảng cách giới trong di cư, tăng cường khả năng phục hồi và cạnh tranh của phụ nữ di cư trong thế giới số.
"Chúng ta cũng phải nhìn nhận những thách thức mà lao động nữ di cư phải đối mặt. Họ dễ trở thành nạn nhân nếu không thể tiếp cận các thông tin một cách đầy đủ trước khi đưa ra những quyết định quan trọng để di cư hay có được cơ hội học tập, làm việc ở nơi khác trên thế giới", Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Ann Mawe cho hay.
Đại diện Liên Hợp Quốc, IOM và 6 đại sứ tôn vinh nữ lao động di cư Việt Nam. Video: IOM.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper chỉ ra rằng rất nhiều đối tượng lừa đảo, mua bán người đang lợi dụng những nền tảng số để dụ dỗ các nạn nhân không có nhiều kiến thức về tình trạng này, trong đó có nhiều phụ nữ. "Chúng ta cần đảm bảo rằng phụ nữ, đặc biệt những người thuộc nhóm thiểu số trong xã hội, trong đó có phụ nữ di cư, có thể tránh khỏi lừa đảo trên mạng", Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Oh Young-ju nói.
"Nhân dịp Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, tôi nghĩ tới hơn 200.000 phụ nữ Việt Nam đã sang Nhật Bản học tập hoặc làm việc. Nhật Bản luôn sẵn sàng thúc đẩy và tiếp thêm sức mạnh cho phụ nữ Việt Nam di cư, vì họ chính là cầu nối chặt chẽ cho mối quan hệ giữa hai quốc gia", Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio nói.
IOM cho rằng di cư là một phần trong quá trình phát triển chung của Việt Nam, thể hiện ở số lượng công dân Việt Nam di cư để làm việc, học tập, kết hôn, đoàn tụ gia đình cả ở trong và ngoài nước. Theo thống kê của Vụ Kinh tế và Xã hội thuộc Liên Hợp Quốc, trong năm 2020, khoảng 3,4 triệu người Việt Nam di cư, trong đó có 1,71 triệu phụ nữ, tương đương 50,3%.
Di cư mang đến cho phụ nữ cơ hội cải thiện cuộc sống và gia đình, đồng thời là nguồn đóng góp bền vững cho phát triển kinh tế xã hội, nhưng họ cũng phải đối mặt với nhiều thách thức trong cách mạng công nghiệp 4.0.
Những tiến bộ về tự động hóa và công nghệ được dự báo sẽ khiến nhu cầu về lao động phổ thông và trình độ thấp giảm nhanh chóng, với khoảng 86% lao động ngành dệt may và da giày của Việt Nam có nguy cơ mất việc trong vòng 15 năm tới. Trong bối cảnh đó, lao động nữ di cư là một trong những đối tượng chịu tác động lớn nhất của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 do chiếm tỷ lệ lớn trong lực lượng lao động trình độ thấp.
"IOM cam kết và mong muốn làm việc với tất cả đối tác để đảm bảo các công nghệ đổi mới và kỹ thuật số sẽ là động lực thay đổi thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ Việt Nam, đặc biệt là những người lao động nữ di cư", bà Park Mihyung nói. "Chỉ có như vậy, phụ nữ Việt Nam di cư mới có thể tham gia đầy đủ vào nền kinh tế toàn cầu với những kỹ năng của thế kỷ 21".
Vũ Anh