"Tôi nghĩ chính sách của chúng ta là đúng đắn. Nó dựa trên sự can đảm của Tổng thống Mohamed Bazoum và cam kết của Đại sứ Pháp đang hiện diện tại đó, bất chấp mọi áp lực và tuyên bố do chính quyền bất hợp pháp đưa ra", Tổng thống Emmanuel Macron nói hôm nay.
Tuyên bố được ông Macron đưa ra trong bài phát biểu quan trọng về chính sách đối ngoại với các nhà ngoại giao và đại sứ Pháp. Ông xác nhận rằng Đại sứ Pháp Sylvain Itte vẫn ở Niger, dù chính quyền quân sự hôm 26/8 ra lệnh trục xuất và yêu cầu quan chức Pháp rời khỏi nước này trong vòng 48 giờ.
"Nước Pháp và các nhà ngoại giao đã đối mặt với tình huống khó khăn ở một số quốc gia trong những tháng qua. Tôi muốn khen ngợi các vị và những đồng nghiệp đang nghe bài phát biểu từ nơi làm việc của họ. Chúng ta không công nhận những người đã tiến hành đảo chính và quyết ủng hộ tổng thống chưa từ chức, người mà chúng ta vẫn duy trì liên lạc", ông chủ Điện Elysee cho hay.
Bộ Ngoại giao Niger tuần trước thông báo chính quyền nước này rút quyết định công nhận đối với Đại sứ Itte sau khi ông "từ chối phản hồi" thư mời họp của Ngoại trưởng Niger, cũng như "các hành động khác từ chính phủ Pháp đi ngược lợi ích của Niger".
Bộ Ngoại giao Pháp khẳng định không chấp nhận lệnh trục xuất, nhấn mạnh chính quyền quân sự Niger "không có thẩm quyền yêu cầu điều này" và "chỉ chính quyền dân cử hợp pháp mới có quyền công nhận đại sứ".
Chính quyền quân sự Niger nhiều lần chỉ trích Pháp, trong đó cáo buộc Paris muốn can thiệp quân sự để khôi phục quyền lực cho tổng thống bị lật đổ Mohamed Bazoum, đồng thời cho rằng Pháp chi phối Cộng đồng Kinh tế Các quốc gia Tây Phi (ECOWAS).
Quân đội Niger ngày 26/7 lật đổ ông Bazoum và thành lập chính quyền quân sự lâm thời. Ông Bazoum bị quản thúc tại nhà riêng và không xuất hiện trước công chúng kể từ đó. Một số đồng minh cho biết ông Bazoum đã được gặp bác sĩ và tiếp tế thực phẩm.
Pháp tuyên bố ủng hộ "mạnh mẽ và kiên quyết" nỗ lực của ECOWAS nhằm khôi phục chức vụ cho ông Bazoum. Pháp cũng liên tục kêu gọi chính quyền quân sự Niger trả tự do cho ông Bazoum, bày tỏ quan ngại về tình trạng của chính trị gia này.
Chính phủ Pháp không công nhận quyết định đơn phương của chính quyền quân sự Niger vào đầu tháng 8, trong đó hủy các thỏa thuận hợp tác với quân đội Pháp, cũng với lập luận chỉ có chính quyền dân cử ở Niger mới đủ thẩm quyền điều chỉnh quan hệ song phương. Khoảng 1.500 lính Pháp đồn trú tại Niger để hỗ trợ nước này đối phó với phiến quân Hồi giáo cực đoan.
Vũ Anh (Theo Reuters)