Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 19/5 cho biết chuyến thăm của đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Terry Branstad diễn ra từ ngày 19/5 đến 25/5. Ông sẽ thăm Khu tự trị Tây Tạng và tỉnh Thanh Hải, một khu vực lịch sử được người Tây Tạng gọi là Amdo.
"Chuyến thăm là cơ hội để đại sứ gặp các lãnh đạo địa phương và nêu ra những lo ngại từ lâu về hạn chế tự do tôn giáo, bảo tồn văn hóa và ngôn ngữ Tây Tạng", người phát ngôn cho biết. "Đại sứ rất vui vì chuyến thăm này và khuyến khích nhà chức trách cho phép tất cả công dân Mỹ được tới thăm Tây Tạng".
Đây là chuyến thăm Tây Tạng đầu tiên của một đại sứ Mỹ kể từ năm 2013 và cũng là chuyến thăm đầu tiên của một quan chức Mỹ sau khi quốc hội nước này tháng 12 năm ngoái phê chuẩn dự luật không cấp thị thực cho quan chức Trung Quốc bị cáo buộc thực thi chính sách hạn chế người nước ngoài tới Tây Tạng. Chính phủ Mỹ sẽ bắt đầu áp dụng luật này từ cuối năm nay.
Trung Quốc khi đó "kiên quyết phản đối" dự luật của Mỹ và cho rằng nó có nguy cơ gây tổn hại nghiêm trọng cho quan hệ song phương. Căng thẳng hai nước sau đó tăng cao do chiến tranh thương mại. Trung Quốc hôm 17/5 tuyên bố việc nối lại đàm phán với Mỹ là vô nghĩa trừ khi Washington thay đổi hướng đi.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm 18/5 nói với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo rằng ngôn từ và hành động gần đây của Mỹ đã đe dọa lợi ích của Trung Quốc cũng như các doanh nghiệp của nước này và Washington nên thể hiện sự kiềm chế.
Trong khi chính quyền Tổng thống Donald Trump có lập trường cứng rắn với Trung Quốc về thương mại và nhấn mạnh sự đối đầu về an ninh với Bắc Kinh, Nhà Trắng đến nay vẫn chưa trừng phạt cựu bí thư đảng ủy Tây Tạng Trần Toàn Quốc, người hiện là bí thư đảng ủy Tân Cương, vì những chính sách đối với người Hồi giáo, theo yêu cầu của quốc hội Mỹ. Một báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ hồi tháng ba cho biết Trần Toàn Quốc đã mang chính sách cứng rắn của ông ở Tây Tạng để áp dụng cho Tân Cương.
Một báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ hồi tháng ba cho biết Trung Quốc ngăn cản một cách có hệ thống các nhà ngoại giao, quan chức, nhà báo và du khách Mỹ tới Tây Tạng. Năm 2018, Tây Tạng là khu vực duy nhất ở Trung Quốc mà chính quyền ở Bắc Kinh yêu cầu các nhà ngoại giao phải được cấp phép đến thăm. Bắc Kinh đã từ chối 5 trong số 9 yêu cầu tới thăm Tây Tạng của phái đoàn ngoại giao Mỹ ở Trung Quốc, bao gồm một yêu cầu từ đại sứ Branstad. Kể cả khi được cấp phép, các chuyến thăm của họ cũng bị hạn chế rất nhiều.
Huyền Lê (Theo Reuters)