Chuyến thám hiểm Sơn Đoòng của Đại sứ Ted Osius diễn ra từ ngày 19 đến 26/1. Dưới đây là trích dẫn chia sẻ của ông sau chuyến đi.
Do cơn mưa to trái mùa, nước trên dòng sông chảy xiết dâng cao tới 3 mét và lấp đi những cây cầu đơn sơ mà chúng tôi đã dùng để trèo vào Sơn Đoòng, hang động lớn nhất thế giới. Vậy là sáng hôm đó, chúng tôi bị mắc kẹt vì mực nước tăng nhanh mà không có cách nào để quay lại lối vào. Hai hướng dẫn viên người gốc Yorkshire, Deb và Howard Limbert cho biết: "Chúng tôi chưa làm thế này bao giờ, nhưng không còn cách nào khác. Chúng ta sẽ leo qua Bức Trường thành".
Chúng tôi chèo những chiếc thuyền nhỏ đến chân bức tường. Michael dính đầy nước bùn khi anh cố gắng trèo khỏi thuyền và nắm lấy chiếc thang dây đang đung đưa. Khu vực này của hang dư sức chứa tòa nhà cao nhất của Hà Nội. Các hồ nước trải dài sâu tới 30 mét; chỉ một giờ trước đó, khi thuyền của Deb bị lật úp, chúng tôi suýt mất chiếc thang cuộn ở độ sâu này. Nếu cô ấy không kịp phản xạ nhanh chóng để ngăn thuyền chìm, chúng tôi có thể vẫn còn mắc kẹt trong hang. Từng người một, tất cả 10 người chúng tôi thở hắt, toàn thân ướt sũng và tim đập thình thịch khi vượt qua đỉnh dốc thứ nhất trong số hai dốc cần qua. Đó là một trải nghiệm ly kỳ cả đời mới gặp một lần.
Những khoảnh khắc trầm mặc hơn của Sơn Đoòng đôi lúc lại thật kỳ vỹ. Chúng tôi thay phiên nhau tắm dưới một thác nước hiếm có với nước trong vắt được lọc qua đá vôi, chảy xuống từ trần hang cao cả trăm mét phía trên. Ánh sáng tràn vào từ một khe trên vách hang được đặt tên là “Watch Out for Dinosaurs - Coi chừng đám khủng long".
Vào buổi tối, Alex chơi guitar và mọi người cùng hát, tiếng nhạc dội vào vách hang và những con dơi chao lượn phía trên đầu. Sau mỗi ngày chúng tôi vật lộn với đá, bùn, giá lạnh và mưa, hướng dẫn viên cùng các nhân viên khuân vác tốt bụng và hào hiệp lại nấu các món ăn Việt Nam ngon và đa dạng một cách bất ngờ, đi kèm với rượu gạo.
Các nhà địa chất đã viết về vẻ đẹp của Sơn Đoòng, về những khối thạch nhũ có kích thước tương đương mái vòm của Tòa nhà Quốc hội Mỹ, và những khối hóa thạch 450 triệu năm tuổi tô điểm cho vách hang và những đường hầm được hình thành trong lòng hang. Nước đã chạm khắc đá thành những viên “ngọc” tinh xảo trong hang và những đụn cát khổng lồ.
Tại hai địa điểm, trần hang đã sụp xuống, khiến nước không thể tiếp tục công việc chạm khắc trên đá, mà thay vào đó, tạo ra những cánh rừng nhiệt đới. Nơi đầu tiên trong những cánh rừng này được gọi là "Vườn Địa Đàng", với những khối đá cao chót vót và thảm thực vật nhấp nhô phủ dương xỉ. Tại nơi đây người ta đã phát hiện những loài thực vật, cá và côn trùng không thấy ở bất cứ nơi nào khác trên trái đất.
Môi trường trong hang vừa khắc nghiệt vừa mong manh hơn những gì tôi có thể hình dung. Các nhà đầu tư muốn xây dựng cáp treo tới hang, nơi cho đến nay mới có lượng người đến khám phá tương đương với số người đã du hành vũ trụ. Du lịch đại trà sẽ phá hủy những gì là quý hiếm và vô giá, song những khối đá với kích thước lớn bằng đầu máy xe lửa vẫn đang chuyển mình quanh Sơn Đoòng, và tôi hy vọng rằng các kỹ sư sẽ nhận thấy việc xây dựng cáp treo là nhiệm vụ bất khả thi.
Chúng tôi đã mất một ngày rưỡi để tới được lối vào hang, bằng cách leo qua rừng sâu, gạt những con đỉa ra, lội qua hơn hơn 30 con suối, và đi qua hang động lớn thứ ba trên thế giới để đặt chân đến thung lũng ẩn sâu có nhiệm vụ bảo vệ Sơn Đoòng. Chúng tôi ngủ ba đêm trong lều, và nếu không phải vì nước dâng cao buộc chúng tôi phải trèo qua bức tường, thì chúng tôi đã ở lại hết đêm thứ tư.
Bản đồ từ thời "Kháng chiến chống Mỹ" cho thấy một “dòng sông đã biến mất” giữa những ngọn núi đá vôi, và theo một nhà thám hiểm hang động giàu kinh nghiệm, đó là dấu hiệu cho thấy một điều gì đó thú vị có thể đang tồn tại. Năm 1990, Hồ Khanh, một người đi rừng Việt Nam gan dạ, người cũng tham gia hành trình lần này cùng chúng tôi, đã cảm nhận được luồng không khí mát lạnh thoát lên từ cửa hang động, nhưng sau đó để mất dấu cho đến năm 2009.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius