Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba trả lời phỏng vấn trước chuyến thăm cấp nhà nước đến Trung Quốc ngày 18-20/8 của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và phu nhân, theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân.
- Đại sứ cho biết hoạt động chính dự kiến diễn ra và ý nghĩa chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và phu nhân tới Trung Quốc?
Trong chuyến thăm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dự kiến hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình, hội kiến với Thủ tướng Lý Cường, Ủy viên trưởng Nhân đại Toàn quốc Trung Quốc Triệu Lạc Tế, Chủ tịch Chính hiệp Trung Quốc Vương Hộ Ninh, cũng như gặp gỡ các nhân sĩ hữu nghị Trung Quốc.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của đồng chí Tô Lâm sau khi được bầu làm Tổng Bí thư, cũng là dịp tiếp xúc quan trọng giữa lãnh đạo cấp cao nhất hai Đảng sau chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam nửa năm trước.
Điều này thể hiện hai bên đều coi nhau là phương hướng ưu tiên trong chính sách ngoại giao, làm nổi bật quan hệ hữu nghị đặc biệt của hai Đảng, hai nước, gửi tín hiệu tích cực quan trọng cho bên ngoài.
- Đại sứ kỳ vọng thế nào về kết quả đạt được trong chuyến thăm sắp tới?
Chúng tôi hy vọng chuyến thăm sẽ kế thừa tình hữu nghị truyền thống, củng cố và tăng cường tin cậy chính trị cấp cao, đi sâu xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới.
Việt Nam đang tổng kết kinh nghiệm 40 năm Đổi mới, đẩy nhanh chuẩn bị Đại hội 14 Đảng Cộng sản. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm vừa chủ trì cuộc họp Thường trực Tiểu ban Văn kiện Đại hội 14 của Đảng Cộng sản Việt Nam. Do vậy, chuyến thăm là cơ hội quan trọng để hai bên trao đổi kinh nghiệm xây dựng Đảng và quản lý đất nước.
Trung Quốc vừa tổ chức thành công Hội nghị Trung ương 3 khóa 20, thông qua "Quyết định về tiếp tục đi sâu cải cách toàn diện và thúc đẩy hiện đại hóa kiểu Trung Quốc", xác định hơn 300 biện pháp cải cách quan trọng, bao trùm các lĩnh vực. Tôi tin rằng điều này sẽ mang lại cơ hội phát triển, hợp tác mới cho các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
- Hai bên đã đạt được những kết quả đáng chú ý nào kể từ khi cùng nhau tuyên bố xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược?
Việc xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc đã có bước khởi đầu rất tốt, khi Việt Nam - Trung Quốc dốc sức thực hiện những nhận thức chung quan trọng giữa lãnh đạo cấp cao nhất hai Đảng, cũng như thành quả trong chuyến thăm.
Các cuộc tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước diễn ra mật thiết. Lúc sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng duy trì sự đi lại, trao đổi chiến lược thường xuyên, thông qua hình thức linh hoạt.
Hồi tháng 6, Thủ tướng Phạm Minh Chính lần thứ hai đến Trung Quốc dự Hội nghị các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), hội kiến, hội đàm với các lãnh đạo Trung Quốc.
Hai bên đã thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh theo hướng "thực chất hơn", tổ chức thành công Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới lần thứ 8 tại khu vực biên giới, thiết lập đường dây nóng giữa hải quân Việt Nam với Chiến khu miền Nam Trung Quốc, tiến hành các chuyến thăm giữa tàu quân sự hai bên, tổ chức giao lưu sĩ quan.
Hợp tác kinh tế, thương mại được duy trì ở mức cao. Theo thống kê của Trung Quốc, trong 7 tháng đầu năm nay, kim ngạch thương mại đã đạt 145 tỷ USD, tăng 21%.
Kim ngạch xuất khẩu của rau quả Việt Nam sang Trung Quốc đạt 2,1 tỷ USD, chiếm 64% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu sầu riêng Việt Nam sang Trung Quốc đạt 1,22 tỷ USD, tăng 46% so với cùng kỳ, chiếm 92,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng.
Việc hai bên hoàn tất thủ tục về xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, dừa tươi chắc chắn sẽ góp phần tăng thêm kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam sang Trung Quốc.
Trong 7 tháng đầu năm nay, vốn đầu tư từ đặc khu hành chính Hong Kong sang Việt Nam đạt 2,19 tỷ USD, từ Trung Quốc đại lục đạt 1,64 tỷ USD. Trung Quốc đứng đầu về số dự án triển khai tại Việt Nam. Lượng khách Trung Quốc sang Việt Nam tới nay là 2,1 triệu lượt, đứng thứ hai.
Có thể nói, hai bên đã đi sâu hợp tác trên tất cả lĩnh vực theo hướng "6 hơn", gồm tin cậy chính trị cao hơn, hợp tác quốc phòng - an ninh thực chất hơn, hợp tác thực chất sâu sắc hơn, nền tảng xã hội vững chắc hơn, phối hợp đa phương chặt chẽ hơn và bất đồng được kiểm soát và giải quyết tốt hơn.
- Kết nối giao thông, hợp tác vùng biên Việt Nam - Trung Quốc cần được thúc đẩy thế nào trong thời gian tới?
Vùng biên Việt Nam - Trung Quốc có nhiều điểm tương đồng, đa số nằm xa trung tâm phát triển kinh tế, địa hình nhiều đồi núi và nhiều dân tộc thiểu số đang sinh sống, nên hai bên có nhiều kinh nghiệm có thể học hỏi lẫn nhau.
Phát triển và hợp tác vùng biên giữa Việt Nam và Trung Quốc có ý nghĩa rất quan trọng, giúp biến vùng sâu vùng xa thành cửa ngõ đối ngoại, biến bất lợi về địa hình thành lợi thế mở cửa. Hai nước có thể thúc đẩy hợp tác, kết nối vùng biên, đường bộ, đường biển, đường hàng không và Internet một cách toàn diện.
Tôi thấy điều cần được ưu tiên nhất hiện nay là thúc đẩy kết nối đường sắt giữa hai nước. Hai bên đang đẩy nhanh quy hoạch và thiết kế ba tuyến đường sắt ở phía bắc Việt Nam, gồm tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Lạng Sơn - Hà Nội và Móng Cái - Hải Phòng.
Về du lịch, trong hai năm qua, Việt Nam cũng đã thí điểm cho du khách Trung Quốc tự lái xe tới nhiều địa phương miền bắc.
Qua việc kết nối, chúng ta sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh thành vùng biên, việc đi lại trở nên dễ dàng hơn và khiến lòng dân thêm gần gũi hơn.
- Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc sẽ đứng trước những cơ hội và thách thức nào?
Tôi tin rằng, cơ hội hợp tác trên các lĩnh vực giữa chúng ta lớn hơn thách thức. Và để ứng phó thách thức, chúng ta nên cùng nhau duy trì hòa bình, ổn định của thế giới, tạo môi trường bên ngoài thuận lợi cho sự phát triển của mỗi nước.
Hai bên cùng nhau duy trì công bằng, chính nghĩa quốc tế, thúc đẩy một thế giới đa cực bình đẳng, trật tự và toàn cầu hóa kinh tế bao trùm, mang lại lợi ích cho mọi người, bảo vệ lợi ích của các nước đang phát triển.
Chúng ta nên xử lý thỏa đáng bất đồng theo "6 hơn", trước hết là phải kiên trì nhận thức chung quan trọng của lãnh đạo cao nhất hai Đảng, kiểm soát và giải quyết bất đồng thông qua đối thoại và hiệp thương, đảm bảo những bất đồng chưa được giải quyết không ảnh hưởng đến đại cục, không gây mất động lực tăng cường hợp tác, không tổn hại tình cảm nhân dân hai nước.
Nguyễn Tiến