"Sau 15 năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện, quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc duy trì xu hướng ổn định và phát triển tốt", Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba nói trong cuộc gặp báo chí ở Hà Nội hôm nay. "Tôi cho rằng hợp tác thiết thực giữa hai nước đã đạt đến mức cao nhất trong lịch sử".
Theo ông, một trong những khía cạnh cho thấy rõ điều đó là tin cậy chính trị giữa lãnh đạo hai Đảng, hai nước không ngừng được củng cố và đi vào chiều sâu, cùng sự ủng hộ kiên định và nhiệt tình mà hai bên dành cho nhau trong các chương trình nghị sự chính trị quan trọng.
Hai nước cũng tăng cường các cuộc tiếp xúc cấp cao, trong đó chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc cuối năm ngoái, ngay sau Đại hội lần thứ 20 Đảng Cộng sản Trung Quốc, là một minh chứng rõ ràng.
"Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên mà Trung Quốc mời và tiếp đón chính thức ngay sau Đại hội 20. Đây là chuyến thăm mang ý nghĩa lịch sử", ông nói.
Trong chuyến thăm, hai bên đã ra Tuyên bố chung 13 điểm, bao gồm những nội dung mang tính chiến lược định hướng cho phát triển quan hệ hai nước trên tất cả lĩnh vực trong thời gian tới.
Hai bên nhất trí tiếp tục củng cố và phát triển quan hệ theo phương châm 16 chữ "láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai" và tinh thần 4 tốt "láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt".
Từ đầu năm tới nay, lãnh đạo cấp hai bên cũng tiếp tục duy trì trao đổi và tiếp xúc thường xuyên, ông Hùng Ba nói. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế Vành đai và Con đường (BRI) ngày 17-20/10 theo lời mời của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Ngoài nâng cao tin cậy chính trị, Việt Nam và Trung Quốc cũng tăng cường hợp tác đầu tư và kinh tế, thương mại, điều mà Đại sứ Trung Quốc cho rằng có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của mỗi nước.
Trung Quốc duy trì vị thế là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khối ASEAN. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ tư của Trung Quốc tính theo quốc gia đơn lẻ, sau Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc đạt 175,56 tỷ USD, tăng 5,47%. Trong 9 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 122 tỷ USD.
Trong năm nay, đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam đạt gần 2,1 tỷ USD với 478 dự án, là nhà đầu tư FDI lớn thứ hai sau Singapore. Năm ngoái, Trung Quốc xếp ở vị trí thứ ba.
Trung Quốc nhiều năm dẫn đầu về lượng du khách đến Việt Nam, trong đó năm 2019 đạt hơn 5,8 triệu lượt người, chiếm 1/3 tổng khách quốc tế đến Việt Nam. Sau đại dịch Covid-19, đi lại giữa nhân dân hai nước đang phục hồi nhanh chóng.
Tính từ đầu năm tới nay, số du khách Trung Quốc sang Việt Nam đã vượt một triệu người. Ông đánh giá tiềm năng phát triển trong lĩnh vực này vẫn còn rất lớn, bởi cơ hội đi lại, gặp gỡ trực tiếp giữa nhân dân hai nước đã nâng lên rõ ràng sau khi kiểm soát thành công Covid-19.
Đại sứ Hùng Ba cho rằng một điểm nhấn khác trong quan hệ hai nước là sự phối hợp, trao đổi và hợp tác trong các vấn đề khu vực và quốc tế không ngừng tăng cường.
Theo ông, Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia xã hội chủ nghĩa, hai nền kinh tế đang phát triển và mới nổi, cùng chia sẻ lợi ích quan trọng trong các vấn đề quốc tế, trong khuôn khổ Liên Hợp Quốc và cơ chế kinh tế đa phương.
"Trung Quốc coi trọng và ủng hộ Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò quan trọng, mang tính xây dựng trong các vấn đề khu vực và quốc tế", ông nói.
Đại sứ Hùng Ba nhận định quan hệ hai nước cũng đối mặt một số thách thức, chủ yếu đến từ bên ngoài, khi thế giới trải qua nhiều biến động như xung đột, chiến tranh, gần đây nhất là xung đột giữa Israel và Hamas.
Ông cho rằng giữa những biến động đó, các nước đều mong muốn hòa bình để yên tâm phát triển và cùng nhau hợp tác. Bởi vậy, tình hình nhìn chung ổn định của châu Á - Thái Bình Dương sẽ góp phần giúp khu vực trở thành động cơ chủ yếu cho tăng trưởng kinh tế thế giới.
"Đây là thời cơ rất quan trọng. Các nền kinh tế mới nổi trong khu vực, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam, đang có sức ảnh hưởng ngày càng cao và tiếng nói ngày càng mạnh mẽ", Đại sứ cho hay.
Bởi vậy, ông Hùng Ba đánh giá quan hệ Việt - Trung về tổng thể "có cơ hội nhiều hơn thách thức", khi nền tảng ngày càng được củng cố vững chắc, sự tin cậy giữa lãnh đạo hai bên mang tới cho hai nước cơ hội phát triển.
"Con đường hiện đại hóa của hai nước hoàn toàn có thể trở thành lựa chọn đối với những nước đang phát triển", Đại sứ nói. "Trung Quốc sẵn sàng cùng Việt Nam đi tốt, đi vững con đường này, cùng tăng cường ủng hộ lẫn nhau và hướng về phía trước".
Thanh Tâm