Không còn là dự báo, giá và mức ưu đãi của nhiều mẫu xe tại các đại lý được điều chỉnh khi trước bạ cho ôtô lắp ráp trong nước giảm 50% có hiệu lực chính thức từ 28/6. Tại Hà Nội, nhiều đại lý Toyota đã cắt ưu đãi trên nhiều dòng xe từ đầu tháng 7.
Vios, mẫu sedan bán chạy nhất của hãng giảm 25-35 triệu trong tháng 6 đã quay về mức niêm yết, 470-570 triệu đồng hoặc giảm ít hơn. Một số khuyến mại do đại lý thực hiện như bảo hiểm thân vỏ, tặng phụ kiện cũng bị cắt.
Tương tự tại TP HCM, Vios cũng không còn mức giảm 20-30 triệu tùy phiên bản như tháng trước. Mẫu SUV Fortuner các bản 2.4 AT, MT lắp ráp trong nước từng ưu đãi gần 100 triệu đồng (hỗ trợ một phần trước bạ + phụ kiện) chỉ còn giảm 30 triệu đồng. "Giá tháng trước còn tốt vì trước bạ chưa giảm nhưng nay đã có, đại lý điều chỉnh để có lợi nhuận", một tư vấn bán hàng của đại lý Toyota cho biết.
Giống Vios trong tháng 7, City - mẫu xe lắp ráp duy nhất của Honda đủ điều kiện được ưu đãi trước bạ, cũng không còn giá tốt như hồi tháng 6. Mức giảm 30-40 triệu cho Honda City được các đại lý giảm xuống còn khoảng 15 triệu đồng. Một nữ nhân viên bán hàng của đại lý Honda ở TP HCM nói rằng, ưu đãi từ nhà máy không còn trong tháng này, mức giảm hiện có là do đại lý tự thực hiện để kích cầu.
Tại các đại lý của Mazda, dòng Mazda3 phom mới với mức giảm 35-45 triệu trước đó hiện chỉ còn 20-30 triệu. CX-5 giảm khoảng 100 triệu trước tháng 7, hiện chỉ còn một nửa. Với chủ yếu các sản phẩm lắp ráp được ưu đãi trước bạ 50%, xe Mazda không còn khuyến mãi sâu nằm trong kế hoạch tìm kiếm lợi nhuận sau thời gian liên tục giảm giá trước đó của đại lý.
Ở một số đại lý Hyundai ở Hà Nội, giá xe bắt đầu về mức niêm yết vào đầu tháng 7. Trong khi tại TP HCM vẫn còn duy trì mức khuyến mãi như tháng 6 nhưng các tư vấn bán hàng nói rằng, giá xe có thể được điều chỉnh theo hướng tăng vì lí do nhà máy không còn hỗ trợ giá cho đại lý, đồng thời trước bạ đã giảm 50%.
Một mẫu Hyundai Tucson 2.0 2WD hiện được giảm 11-13 triệu đồng, giá 788 triệu đồng. "Đại lý đang có chính sách mới, giá có thể về mức niêm yết 799 triệu đồng", nhân viên bán hàng Hyundai cho biết. Nhiều khách được giục chốt hợp đồng sớm hoặc đặt cọc giữ xe để hưởng giá tốt vì giá xe có thể tăng thời gian tới.
Ngoài bốn hãng trên, đại lý của hầu hết các hãng xe cũng không còn nhiều chương trình giảm giá hay tặng phụ kiện hấp dẫn như trước đó. Nếu theo quy luật thị trường, các đại lý sẽ phải "cắt máu", tức là chấp nhận giảm bớt lợi nhuận để đạt doanh số, nhưng phần thiệt này đã được Chính phủ hỗ trợ bằng 50% trước bạ. Chính sách lẽ ra là tạo điều kiện cho người mua, trở thành phao cứu sinh cho cả người bán.
Thậm chí, nhiều khách phải trả thêm tiền để được nhận xe. Nguyễn Ngọc, Cầu Giấy, Hà Nội đặt mua chiếc Mercedes E300 hồi giữa tháng 6 với giá 2,7 tỷ, giảm khoảng 240 triệu so với giá niêm yết 2,94 tỷ. Tuy nhiên, đại lý trì hoãn việc giao xe với lý do hết hàng và yêu cầu khách đóng thêm 100 triệu đồng nữa mới được nhận xe.
Nghị định 70/2020 quy định mức thu lệ phí trước bạ giảm 50% cho ôtô lắp ráp trong nước, có hiệu lực từ 28/6 đến hết 2020. Đây được xem là giải pháp để kích cầu tiêu dùng trở lại sau giai đoạn nửa đầu năm qua, doanh số tiêu thụ ôtô giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Giá lăn bánh xe mới có thể giảm hàng chục triệu đồng nhờ quyết định của Chính phủ. Tuy nhiên với việc các đại lý cắt dần khuyến mại, mua xe khi nào để có lợi nhất dường như nằm ngoài tầm kiểm soát của khách hàng.
Đoàn Dũng - Thành Nhạn