Các nhánh của toàn ngành công nghiệp ôtô đã hai lần viết thư gửi chính phủ Anh, giãi bày về nỗ lực duy trì hoạt động của cả hệ thống đại lý trong đại dịch Covid-19 kể từ khi được mở cửa trở lại vào tháng 6 vừa qua.
Lần thứ nhất, Hiệp hội đại lý nhượng quyền quốc gia (NFDA) yêu cầu Thủ tướng Anh không gộp các đại lý ôtô vào danh sách đóng cửa trong lần tái phong tả. Lần thứ hai, thư yêu cầu loại bỏ các đại lý ra khỏi danh sách.
Theo quyết định tái phong tỏa, các dịch vụ bán lẻ hàng hóa không thiết yếu phải đóng cửa kể từ 0h ngày 5/11 đến hết ngày 2/12. Có nghĩa các đại lý ôtô cũng không thể hoạt động trong thời gian này. Trong khi đó, các đại lý đã phải chi hàng triệu USD theo cách nhằm đảm bảo an toàn và tuân thủ các quy định giãn cách xã hội.
Các ông chủ lớn, như Daksh Gupta (Giám đốc điều hành của Marshall Motor Group) và Robert Forrester (Vertu Motors) đều bày tỏ ý kiến trên mạng xã hội. Cả hai thể hiện sự bất mãn, rằng các khu vườn thực vật vẫn có thể mở cửa, còn các đại lý thì không.
Gupta đăng ảnh một vườn ươm có đông người lui tới, hỏi tại sao nơi đây vẫn mở cửa trong khi các showroom ôtô có nhiều không gian hơn và ít người đến thì lại không được hoạt động. Forrester cũng đề cập tới các khu vườn tương tự.
Trong thư gửi Thủ tướng Anh Boris Johnson, NFDA nói rằng "không có bằng chứng" về việc các đại lý mở cửa có thể làm tăng khả năng lây nhiễm virus.
Từ 0h ngày 5/11, các đại lý ôtô sẽ phải chuyển sang hình thức giao xe tại nhà, hay "click and collect", tức quá trình mua bán hoàn toàn thực hiện qua mạng. Tuy nhiên, hình thức này không dễ dàng đối với mọi đại lý, và đặc biệt khó khăn đối với các tập đoàn lớn.
NFDA nói trong thư: "Đóng cửa các showroom sẽ không chỉ gây thiệt hại tới kế sinh nhai của 590.000 người làm việc trong ngành bán lẻ ôtô. Việc này sẽ giảm doanh số xe tới giới hạn khiến các nhà máy phải dừng sản xuất, tác động tới 168.000 người làm việc trong lĩnh vực sản xuất ôtô. Việc này cũng gây khó khăn cho các nhân viên y tế trong việc có được những chiếc xe họ cần để tới chỗ làm".
Những người đại diện của ngành cũng chỉ ra thực tế, rằng lệnh phong tỏa ở Đức vẫn cho phép các đại lý tiếp tục hoạt động. "Chúng tôi mong muốn chính phủ Anh cũng cho thấy sự đánh giá hợp lý như thế", NFDA bày tỏ.
Mike Hawes (Hiệp hội Kinh doanh và sản xuất ôtô Anh - SMMT), cũng thể hiện quan điểm trên mạng xã hội, kêu gọi chính phủ cho phép các đại lý ôtô duy trì hoạt động.
John Marshall (hệ thống đại lý SW Car Supermarket) bày tỏ sự thất vọng trước việc "tiến một bước và lùi hai bước". Ngành công nghiệp này, đặc biệt là lĩnh vực bán lẻ, chắc chắn sẽ chịu thiệt hại khủng khiếp, Marshall nhận định. Ngoài ra, ông chủ của chuỗi siêu thị xe cũ cho biết sẽ thử phương thức "click and collect" theo cách riêng.
Trong ít tháng nới lỏng phong tỏa vừa qua, các đại lý ôtô ghi nhận một số dấu hiệu tích cực về doanh số, đặc biệt ở thị trường xe cũ. Nhưng lệnh tái phong tỏa sẽ có nguy cơ khiến toàn ngành thụt lùi một bước lớn.
Hiện chưa rõ các trung tâm dịch vụ và sửa chữa của các đại lý có thể mở cửa hay không. Những garage hay trung tâm dịch vụ được chính phủ Anh xếp vào mức "thiết yếu", nhưng sự sụt giảm trong việc kinh doanh sẽ khiến những nơi này khó có thể duy trì hoạt động.
Mỹ Anh (theo Car Dealer Magazine)