Mô hình tên lửa Hùng Phong III của Đài Loan trong một cuộc diễu binh. Ảnh: Defence. |
Theo tiết lộ với AFP của nghị sĩ Lin Yu-fang, thành viên uỷ ban phòng vệ Đài Loan, hòn đảo này đang nghiên cứu phát triển loại tên lửa đất đối hạm, một phiên bản của tên lửa hạm đối hạm Hùng Phong III. "Phiên bản tên lửa mới đặt trên bờ sẽ có tầm bắn xa hơn và mang đầu đạn nặng hơn", ông Lin so sánh với loại tên lửa hạm đối hạm đang triển khai.
Theo đó phiên bản mới của Hùng Phong III sẽ được lắp đặt trên bệ phóng tự hành để linh hoạt tránh các đợt oanh tạc của đối phương. Tuần trước, các phóng viên cũng được trực tiếp tham quan đầu đạn tên lửa hạm đối hạm Hùng Phong III, ngay trước thềm Triểu lãm công nghệ quốc phòng và hàng không Đài Bắc 2011.
Đây là lần hiếm hoi tên lửa thật Hùng Phong III, hoả tiễn được các nhà thiết kế mệnh danh là "kẻ huỷ diệt tàu sân bay", được giới thiệu trước công chúng. Động thái này được thực hiện cùng với thời điểm Trung Quốc lần đầu cho thử nghiệm trên biển đối với tàu sân bay đầu tiên của họ được cho là mang tên Shi Lang.
Một trong những tính năng vượt trội của Hùng Phong III là tốc độ. "Tốc độ của Hùng Phong III nhanh đến mức rất khó có thể đánh chặn", Chiang Wu-ying, phó giám đốc dự án nghiên cứu tên lửa của Đài Loan giới thiệu với các phóng viên. Hùng Phong III hiện đã được triển khai trên một số chiến hạm của Đài Loan có tốc độ bay tối đa Mach 2.0 (hai lần tốc độ âm thanh) và tầm bay đạt 130 km.
Hùng Phong III được trang bị đầu đạn thông minh được thiết kế với lực nổ có định hướng nặng 225 kg. Ngòi nổ đặc biệt sẽ kích hoạt đầu đạn và hướng toàn bộ sức công phá của vụ nổ xuống phía dưới sau khi tên lửa đã xuyên thủng mục tiêu là vỏ tàu của đối phương. Kiểu thiết kế này sẽ nhanh chóng phá thủng đáy tàu khiến tàu đối phương bị chìm trong ít phút.
Trong khi đó, việc Trung Quốc đưa chiếc tàu sân bay đầu tiên ra thử nghiệm trên biển những ngày qua đã khiến nhiều nước trong khu vực lo ngại, bất chấp thực tế là phải mất vài năm nữa Trung Quốc mới có thể triển khai máy bay chiến đấu trên tàu. Bộ Quốc phòng Nhật thứ sáu tuần trước kêu gọi Trung Quốc giải thích vì sao họ cần tàu sân bay và Mỹ cũng có yêu cầu tương tự.
Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Đài Loan đã được cải thiện đáng kể từ khi chính trị gia có quan điểm thân đại lục là Mã Anh Cửu trở thành người đứng đầu chính quyền đảo Đài Loan năm 2008 và cam kết chính sách không đối đầu với đại lục. Còn Trung Quốc vẫn luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ cần phải thống nhất, kể cả bằng vũ lực nếu cần thiết.
Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc. Ảnh: Xinhua. |
Còn chiếc tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc nguyên bản là tàu Varyag, được Liên Xô khởi công đóng tại Ukraina năm 1985. Khi hoàn thành được 70% với phần khung sườn hoàn chỉnh nhưng chưa gắn động cơ và các thiết bị khác thì Liên Xô sụp đổ. Do đó tàu Varyag được chuyển giao cho Ukraina sở hữu.
Nhưng do không có kinh phí hoàn thiện, năm 1998 Ukraina bán thanh lý vỏ tàu Varyag và một khách hàng Trung Quốc đã chiến thắng trong cuộc đấu giá. Sau đó vỏ tàu được kéo về cảng Đại Liên của Trung Quốc và thay vì biến thành một khách sạn nổi, nó được hoàn thiện thành chiếc tàu sân bay như thiết kế ban đầu.
Trên thực tế, tàu sân bay này là tuần dương hạm hạng nặng mang máy bay, không thể so sánh với các tàu sân bay truyền thống của hải quân Mỹ, Anh hay Pháp hiện nay. Tàu sân bay của Mỹ có trọng tải trên 100.000 tấn chạy bằng năng lượng hạt nhân, trong khi tàu của Trung Quốc có thiết kế 67.500 tấn chạy bằng năng lượng thường.
Đình Nguyễn