Cảnh sát Đài Loan ngày 20/8 cho biết đã bắt 16 nghi phạm trong chiến dịch truy quét các tổ chức tội phạm buôn người với hình thức lừa gạt người lao động tới Campuchia làm việc lương cao.
Nhiều nạn nhân bị lừa sang Campuchia khai với cảnh sát Đài Loan về tình trạng chủ lao động giữ người trái phép, đánh đập, xâm hại thân thể và cưỡng hiếp. Các nạn nhân từ Đài Loan chủ yếu bị đưa vào các khách sạn và khu nghỉ dưỡng ở Sihanoukville, thành phố cảng miền nam Campuchia.
Theo cảnh sát Đài Loan, một số đường dây buôn người đang bị điều tra có liên quan đến các nhánh của Hội Tam hoàng, trong đó có Trúc Liên Bang và Thiên Đạo Minh.
Trúc Liên Bang được xem là nhóm tội phạm lớn nhất trong ba nhánh chính của Hội Tam hoàng trên hòn đảo.
Cơ quan Điều tra Hình sự (CIB) của cảnh sát Đài Loan xác định Lý Chấn Hào, 34 tuổi, thủ lĩnh một nhóm lớn trong Trúc Liên Bang, đã tổ chức đường dây lừa 82 người từ Đài Loan đến Campuchia trong ba tháng qua. Đường dây lừa đảo của Lý có thể đã thu về 1,67 triệu USD tiền hoa hồng cho các đợt buôn người.
Nạn nhân bị giữ trái phép trong các cơ sở như nhà tù, bị ép thực hiện các cuộc gọi lừa đảo, đóng giả là cơ quan chức năng yêu cầu người nhận cuộc gọi nộp tiền phạt hoặc tham gia hoạt động đầu tư không có thật. Nạn nhân bị lừa đảo chủ yếu là người Trung Quốc đại lục và người Đài Loan. CIB nhận định đây là mô hình "lao động nô lệ điện tử".
Cảnh sát Đài Loan cho biết ít nhất 420 vụ lừa người sang Campuchia đã được trình báo, trong đó 46 trường hợp đã hồi hương. Hàng trăm trường hợp còn lại đã mất liên lạc với người thân và bạn bè. Chính quyền hòn đảo đang đẩy nhanh kế hoạch giải cứu những người mắc kẹt.
Cảnh sát Hong Kong hôm nay cũng thông báo đã bắt 5 người với cáo buộc lừa đảo đưa người đến các nước Đông Nam Á bằng chiêu thức hứa hẹn việc làm thu nhập "cao không tưởng". Các nạn nhân chủ yếu bị lừa đưa đến Myanmar, Campuchia, Thái Lan và Lào, sau đó bị giữ lại và cưỡng ép lao động.
Điểm chung của các nạn nhân là họ đều được tặng vé máy bay, nhưng khi đến điểm hẹn lập tức bị môi giới thu hộ chiếu. Họ bị đưa đến cơ sở lao động trái phép, một số bị ép phải tham gia đường dây, gọi điện lừa thêm người.
Nhóm chuyên trách đối phó nạn buôn người được chính quyền Hong Kong thành lập trong hai ngày qua đã tiếp nhận 36 đơn kêu cứu, hầu hết đều là nạn nhân của mô hình lừa đảo này. Ít nhất 22 người đang bị giữ lại trái phép ở Campuchia và Myanmar, trong đó 9 người chưa thể liên lạc với người thân hoặc cảnh sát Hong Kong.
Một số chính trị gia Hong Kong đã nhận đơn cầu cứu từ gia đình một nạn nhân bị lừa sang Myanmar và đã kẹt lại bang Kayin khoảng một tháng. Nạn nhân báo với gia đình rằng anh bị ép làm việc hơn 10 tiếng mỗi ngày, bị bỏ đói nếu làm việc không vừa ý chủ.
Luật sư nhân quyền Patricia Ho cảnh báo hệ thống pháp luật Hong Kong hiện nay chưa đủ để đối phó hoạt động lừa đảo này, khi thành phố không có đạo luật quy định về tội buôn người và cưỡng bức lao động.
Thanh Danh (Theo Taipei Times, AFP)