Chiều 10/5, lễ bế mạc Đại lễ Vesak 2014 đã diễn ra trang nghiêm, trọng thể tại hội trường quốc tế khu du lịch tâm linh Bái Đính (Ninh Bình).
Hoà thượng, GS.TS Brahmapundit, Chủ tịch Uỷ ban Tổ chức quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc (ICDV) nhiệt liệt hoan nghênh "sự thành công của Đại lễ Vesak tại đất nước Việt Nam có bề dày lịch sử và vô cùng tươi đẹp".
Hoà thượng cảm ơn Chính phủ Việt Nam và nhấn mạnh, sự có mặt của Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong lễ bế mạc minh chứng cho tình cảm, sự trân trọng của Chính phủ Việt Nam với Phật giáo. Đồng thời cho thấy, Phật giáo là một di sản không thể tách rời với mỗi người dân Việt Nam.
Theo chủ tịch ICDV, việc tổ chức một đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc không phải là công việc dễ dàng. Việc Việt Nam tổ chức thành công sự kiện này, chứng tỏ Giáo hội Phật giáo Việt Nam rất lớn mạnh, có sự kết nối sâu rộng với cộng đồng Phật giáo thế giới.
Đại lễ Vesak 2014 đã có 1500 đại biểu đến từ 95 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới và hơn 20.000 phật tử trong nước, quốc tế tham dự.Đây là cơ hội để các trường phái Phật giáo đến gần nhau hơn, thắt chặt hơn tình hoà bình, hữu nghị. Vesak 2014 được tổ chức ở địa điểm xa xôi nhưng có ý nghĩa lớn về Phật giáo.
Trong 4 ngày Đại lễ, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi các nội dung quanh chủ đề "Phật giáo góp phần thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc" chỉ ra những đóng góp và thiếu sót của Phật giáo trong vấn đề này. Kết thúc các hội thảo, các đại biểu đã thống nhất ra Tuyên bố chung Ninh Bình 2014 (tuyên bố Vesak 2014). Trong đó tập trung vào việc giải quyết các vấn đề Hồi ứng của Phật giáo về hâm nóng toàn cầu và bảo vệ môi trường; Xây dựng hoà bình và sự bình phục hậu mâu thuẫn; Đóng góp Phật giáo về lối sống lành mạnh.... Tuyên bố mong muốn đẩy mạnh việc áp dụng giáo lý của Đức Phật để đạt tới mục tiêu hoà bình của thế giới, một thế giới không có sự xung đột và tất cả các nước biết tôn trọng chủ quyền của láng giềng.
Tuyên bố đặc biệt nhấn mạnh việc đôn đốc các nhà lãnh đạo chính trị giải quyết các tranh chấp liên quan đến chủ quyền, quyền chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa thông qua đàm phán và các biện pháp hòa bình khác nhau, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, để duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác thế giới.
Quỳnh Trang