Cách đây 4.200 năm, những trận lũ lớn xảy ra trên hai sông dài nhất Trung Quốc là sông Hoàng Hà và sông Dương Tử. Nhưng theo các nhà nghiên cứu, dấu vết trong hang động cho thấy thiệt hại ở khu vực Dương Tử vượt xa đồng bằng sông Hoàng Hà, vốn được biết tới như cái nôi của nền văn minh Trung Quốc, cho phép quân xâm lược phương Bắc tiến về phương nam.
Theo truyền thuyết, Hạ Đại Vũ, người sáng lập triều đại đầu tiên của Trung Quốc là nhà Hạ, trị thủy bằng cách xây dựng những công trình xử lý nước đồ sộ. Sau đó, ông dẫn quân xâm chiếm miền nam Trung Quốc vốn do 3 bộ tộc liên minh thống trị gọi là người Tam Miêu. Có thể Tử Thành đã tận dụng sự biến đổi khí hậu để mở rộng xuống phương nam và đánh bại bộ tộc Tam Miêu, các nhà nghiên cứu kết luận trong bài báo đăng trên tạp chí Quaternary Research.
Biến đổi khí hậu và những yếu tố địa chất đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển văn hóa, theo nhóm nghiên cứu đứng đầu là giáo sư Tan Liangcheng ở Viện môi trường Trái Đất thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc tại Tây An. Nhóm của Tan phân tích mẫu vật măng đá từ hang Remi ở tỉnh Hồ Nam gần nhánh giữa sông Dương Tử. Mẫu vật cho thấy ở vùng trung nam Trung Quốc, lượng mưa giảm dần giữa năm 3.600 và 2.300 trước Công nguyên trước khi xu hướng này đảo ngược với điều kiện khí hậu trong vùng dần trở nên ẩm ướt.
Lũ lụt cũng tràn qua khu vực sông Dương Tử trong thời kỳ này. Dấu vết trong hang động hé lộ tình huống ở phương nam còn tồi tệ hơn nhiều. Bằng chứng giúp xác nhận sự tồn tại của trận Đại hồng thủy và nhà Hạ.
Vua Hạ Đại Vũ chỉ đạo xây dựng hệ thống kênh mương thủy lợi lớn trên sông Hoàng Hà. Nhưng ông phải đối mặt với thách thức lớn từ phương nam. Các bộ tộc phương nam phát triển ở vùng đất thấp nhiều đồi núi từ năm 3.800 đến năm 2.300 trước Công nguyên, khi thời tiết khô ráo rất phù hợp để trồng lúa, theo Tan và cộng sự. Lưu vực sông Dương Tử ở khu vực trung nam Trung Quốc nuôi dưỡng nhiều nền văn minh thời Đồ đá mới, bao gồm Đại Khê, Khuất Gia Lĩnh và Thạch Gia Hà, có thể sánh ngang với các nền văn minh phương bắc vào thời đó.
Dữ liệu của nhóm nghiên cứu cho thấy khí hậu ở vùng này trở nên ngày càng ẩm ướt hơn sau năm 2.300 trước Công nguyên, sự mở rộng của các hồ nước ở bãi bồi đe dọa những khu định cư của người Thạch Gia Hà và nhiều nền văn minh khác tại vùng đất thấp. Lượng mưa và lũ lụt tăng lên phá hủy nhà cửa và cây trồng. Nghiên cứu khảo cổ cho thấy đồ tạo tác ở phương nam thay đổi đáng kể vào khoảng năm 2.200 trước Công nguyên, mang nhiều đặc điểm mới của nền văn minh phương Bắc ở khu vực sông Hoàng Hà. Theo nhóm nghiên cứu, điều này chỉ ra có sự trao đổi văn hóa trong vùng, kết quả từ cuộc chiến đánh bại người Tam Miêu của Hạ Đại Vũ. Lũ lụt cùng với chiến tranh với phương bắc có thể đã thúc đẩy sự sụp đổ của những nền văn minh phương nam.
An Khang (Theo SCMP)