Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, trường Đại học Công thương TP HCM, nói việc sinh viên sử dụng các công cụ, phần mềm liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI) để làm bài tập, viết tiểu luận, nghiên cứu khoa học ngày càng nhiều.
Ông Sơn cho rằng đây là xu thế tất yếu bởi sinh viên nhanh nhạy, trong khi các ứng dụng tích hợp AI giúp tăng khả năng tìm kiếm, tổng hợp và đưa ra đáp án. Tuy nhiên, không ít sinh viên, vì không hiểu biết hoặc cố ý, đưa vào bài làm của mình nhiều kiến thức mà không dẫn nguồn hoặc trích dẫn sai cách thức. Đây là những biểu hiện của đạo văn, sai quy định trích dẫn.
Một giảng viên Công nghệ thông tin cho hay tuy không có khảo sát cụ thể, số sinh viên chị nhận thấy có dùng AI để làm bài tập tăng dần so với đầu năm. Việc này được phép, vấn đề là nhiều sinh viên không dẫn nguồn, thậm chí sao chép hoàn toàn mà không biết nguồn gốc của kiến thức đó từ đâu.
"Khoảng 30% sinh viên bị tôi đánh trượt khi thi hết môn gần đây, do sao chép đáp án từ ChatGPT. Vì các em không sửa code nên bị phát hiện", chị nói, cho hay kể cả không, trường vẫn có phần mềm để phát hiện độ trùng lặp sau đó.
Dù sinh viên sử dụng AI trong học tập ngày càng phổ biến, nhiều đại học chưa có quy định cụ thể về việc này, chủ yếu do các giảng viên quyết định. Các hình thức xử lý sinh viên vi phạm thường là nhắc nhở, trừ điểm hoặc đánh trượt môn.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, Phó hiệu trưởng trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP HCM, cho biết trường có các công cụ để kiểm tra bài tập sinh viên. Qua đó, giảng viên sẽ biết những đoạn nào trong sản phẩm, bài tập của sinh viên được tạo ra bởi AI. Tuy nhiên, xử lý như thế nào tùy thuộc mỗi giảng viên.
Ở trường Đại học Công thương TP HCM cũng không có quy định chung để xử lý việc này mà mỗi khoa hay bộ môn, giảng viên có cách riêng, theo ông Sơn. Ông dẫn ví dụ khoa Kế toán sẽ đánh giá khóa luận không đạt nếu sinh viên trích dẫn mà không ghi nguồn hoặc hủy kết quả nếu lượng trích dẫn trên 50%. Ở một số khoa, sinh viên bị trừ điểm hoặc không qua môn nếu tiểu luận, đồ án sao chép mà không dẫn nguồn, hoặc vượt tỷ lệ nhất định.
Hai trường khác ở TP HCM là Đại học Kinh tế, Khoa học Xã hội và Nhân văn nằm trong số ít trường đã ban hành quy định về trích dẫn và chống đạo văn. Hai trường này cho hay sử dụng phần mềm DoIT, Turnitin để kiểm tra trùng lặp dữ liệu trong bài làm của sinh viên. Tùy mức độ vi phạm, người học có thể bị khiển trách, cảnh cáo, đình chỉ học tập có thời hạn hoặc buộc thôi học nếu bị phát hiện đạo văn, trích dẫn vượt tỷ lệ cho phép (20-25%).
TS Greeni Maheshwari, giảng viên cao cấp Đại học RMIT, cho rằng trong bối cảnh còn nhiều lo ngại xung quanh việc sử dụng AI trong giáo dục, các trường nên ban hành hướng dẫn và quy tắc ứng xử rõ ràng cho cả người học và người dạy, đồng thời cân nhắc việc tích hợp AI vào công tác khảo thí.
"Chúng ta cần thiết kế các bài đánh giá theo hướng khuyến khích sử dụng AI một cách có trách nhiệm và duy trì kỹ năng tư duy phản biện, tính sáng tạo của người học", TS Greeni Maheshwari nói.
Theo PGS Nguyễn Ngọc Vũ, điều quan trọng hơn là thầy cô cần xây dựng cho sinh viên ý thức về việc sử dụng AI.
"Sinh viên cần hiểu cách thức AI tạo nội dung để biết hạn chế của chúng, không phó mặc năng lực tư duy cho AI, cũng như tuân thủ nguyên tắc đạo đức và minh bạch khi sử dụng", ông Vũ nói.
Chung quan điểm, thạc sĩ Cù Xuân Tiến, Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên, trường Đại học Kinh tế - Luật, cho rằng để sử dụng tốt các công cụ AI, sinh viên cần rà soát kỹ dữ liệu do chúng cung cấp. Một kỹ năng quan trọng khác là biết cách đặt câu hỏi cho các ứng dụng AI, không yêu cầu AI làm thay tất cả.
"Dựa trên các câu trả lời, các ý tưởng mà AI cung cấp, ngoài kiểm tra kỹ tính hợp lý của dữ liệu đã nêu trên, sinh viên cần viết lại theo cách hiểu và phù hợp với nội dung bài viết của mình", ông Tiến khuyên.
Lệ Nguyễn