- Tại sao Đại học Việt Nhật, thành viên thứ bảy của Đại học Quốc gia, lại lựa chọn bắt đầu đào tạo hệ thạc sĩ mà không phải là cử nhân, thưa ông?
- Đó là lựa chọn bình thường, nhiều trường đại học khác trên thế giới đã đào tạo như vậy, thậm chí có trường chỉ đào tạo thạc sĩ hoặc cử nhân. Còn Đại học Việt Nhật sẽ đào tạo cả ba hệ cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ.
Sở dĩ chúng tôi lựa chọn bắt đầu từ hệ thạc sĩ vì số môn học tổ chức ban đầu gọn, nên các giáo sư 2 bên cùng tổ chức giảng dạy, thực tập dễ dàng hơn. Mặc khác, nguồn đầu vào của hệ đào tạo này là sinh viên hệ cử nhân đã học tại Đại học Quốc gia Hà Nội và các trường khác đã có. Nguồn tuyển sẵn có này bước đầu sẽ thỏa mãn được nhu cầu tuyển sinh, đào tạo. Như vậy, quyết định của Đại học Việt Nhật mang tính khả thi cả về mặt kỹ thuật thiết kế và vận hành.
Ngược lại, với chương trình cử nhân đào tạo trong 4 năm thì cần thời gian chuẩn bị dài hơn. Chúng tôi vẫn đang hoàn thiện điều kiện để tuyển sinh hệ cử nhân trong thời gian tới.
- Trong quá trình xây dựng chương trình đào tạo 6 ngành thạc sĩ, trường đã điều tra nhu cầu nhân lực của những ngành này như thế nào?
- Với sự trợ giúp của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), quá trình điều tra được triển khai công phu, kéo dài nhiều năm và tiến hành rộng rãi từ nhu cầu doanh nghiệp Việt Nam, Nhật Bản và cả doanh nghiệp quốc tế.
Việc điều tra được kết thúc vào tháng 6/2015. Dựa trên kết quả này cùng một số thông tin cho thấy nhu cầu nhân lực của 6 ngành thạc sĩ công nghệ Nano, kỹ thuật môi trường, kỹ thuật hạ tầng, khu vực học, chính sách công, quản trị kinh doanh là khá lớn. Mặc dù vậy, chúng tôi thống nhất bước đầu chỉ tổ chức đào tạo với số lượng 20 học viên mỗi ngành để đảm bảo chất lượng.
- Đại học Việt Nhật tính đến yếu tố quốc tế và xuất khẩu nhân lực ra nước ngoài ra sao?
- Bản thân Đại học Việt Nhật là trường quốc tế, có đối tượng tuyển sinh toàn cầu (trước hết Việt Nam là nhiều nhất). Toàn bộ chương trình giảng dạy đều bằng tiếng Anh nên khi tốt nghiệp, người học có năng lực làm việc toàn cầu.
Đầu thế kỷ trước Việt Nam có phong trào Đông Du, người Việt vượt biển tìm sang Nhật để học. Đến đầu thế kỷ 21 người Nhật đã chủ động tìm sang Việt Nam để hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn. Vì vậy, đây là cơ hội lớn để phát triển nhân lực Việt Nam cung cấp cho thị trường trong nước và quốc tế.
- Kinh phí mỗi học viên bỏ ra để hoàn thành khoá học và nhận bằng thạc sĩ của Đại học Việt Nhật như thế nào?
- Chúng tôi sơ bộ tính toán, dao động 12.000-14.000 USD cho một học viên đào tạo 24 tháng. Nhưng với sự hỗ trợ của Nhật Bản và các tổ chức khác thì học viên chỉ phải trả một phần nhỏ là 3.300 USD (chưa tính cấp bằng, thực tập, học viên có thể lựa chọn thực tập tại Việt Nam hoặc Nhật Bản 3 tháng). Nếu thực tập ở Nhật thì có thể phát sinh thêm chi phí.
Chúng tôi đang vận động các tổ chức cấp học bổng toàn phần, thậm chí có thêm sinh hoạt phí cho học viên. Đây là khoá đào tạo tập trung, kéo dài 2 năm nên khi có nhiều suất học bổng hấp dẫn sẽ giúp học viên khó khăn có đủ tiền học tập và sinh hoạt.
Mức chi phí này có thể bằng hoặc thấp hơn kinh phí đào tạo một số chương trình đào tạo quốc tế khác.
- Khi nào trường bắt đầu tuyển sinh?
- Tiến độ thiết kế chương trình, khai giảng đang được thực hiện đúng. Tháng 3/2016 trường sẽ sơ tuyển để tháng 9/2016 khai giảng. Đại học Quốc gia Hà Nội đang tập trung chuẩn bị để khai giảng đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng. Hiện nay, mỗi ngành đào tạo đều có một tổ chuyên gia gồm thành viên của cả hai nước Việt Nam và Nhật Bản. Hai nhóm chuyên gia sẽ nghiên cứu độc lập, sau đó ngồi lại với nhau, thống nhất, điều chỉnh nội dung chương trình cho phù hợp với đối tượng học viên tại Việt Nam.
Vừa qua, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức Hội thảo xúc tiến hợp tác giáo dục Việt Nam - Nhật Bản, vì vậy dù chưa khai giảng nhưng nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã biết đến trường. Đây là một lợi thế cho học viên của trường.
Các dấu mốc của Đại học Việt Nhật: * 31/10/2010: Chính phủ hai nước đưa ra Tuyên bố chung xem xét việc thành lập một trường đại học chất lượng cao có yếu tố Nhật Bản tại Việt Nam. * Từ năm 2012: Diễn đàn Kinh tế Nhật Bản - Việt Nam và Đại học Quốc gia Hà Nội hợp tác triển khai Nghiên cứu Cơ bản Dự án trường Đại học Việt Nhật. * 16/8/2013: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao cho Đại học Quốc gia Hà Nội chủ trì, phối hợp với phía Nhật Bản xây dựng Dự án tiền khả thi thành lập Đại học Việt Nhật. * 17/3/2014: Thủ tướng đồng ý chủ trương thành lập Đại học Việt Nhật thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội và giao cho Đại học Quốc gia chủ trì xây dựng Dự án khả thi thành lập Đại học Việt Nhật. * 3/4/2014: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã làm việc với lãnh đạo các bộ về việc bố trí đất cho dự án Đại học Việt Nhật. *21/7/2014: Chính phủ ban hành Quyết định số 1186 về việc thành lập Đại học Việt Nhật thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. * Từ 8/2014: Đại học Quốc gia Hà Nội và JICA thảo luận về Dự án hỗ trợ kỹ thuật giai đoạn 2015-2019. * Tháng 12/2015: Đại học Việt Nhật tổ chức hội thảo giới thiệu 6 chương trình đào tạo thạc sĩ tuyển sinh trong năm 2016. |
Lan Hạ thực hiện