Trong buổi làm việc với Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng sáng 14/3, ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - cơ quan chủ quản Đại học Tôn Đức Thắng - cho biết, Điều 20 của Luật Giáo dục quy định hiệu trưởng và hiệu phó của đại học phải thuộc biên chế Nhà nước. Do đó, các chức vụ này Đại học Tôn Đức Thắng đều phải chuyển về Tổng Liên đoàn Lao động bổ nhiệm.
Theo ông Tùng, trường trước đây do Liên đoàn Lao động TP HCM sáng lập, đầu tư và lãnh đạo trực tiếp thông qua Hội đồng quản trị. Khi chuyển về Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vẫn duy trì cơ chế trên. Tuy nhiên theo quy định mới, Chủ tịch hội đồng nhà trường phải là tiến sĩ nên phải giao chức vụ này về cho Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Hiện, Chủ tịch và Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP HCM là ủy viên Hội đồng trường. Ở các nhiệm kỳ trước, Hội đồng trường phải có thành viên đến từ Thành ủy, UBND thành phố.
Nghe thế, Bí thư Đinh La Thăng nói: "Chủ tịch hay Phó chủ tịch làm ủy viên có thực sự cần thiết cho nhà trường không? Giống như Sở Y tế, ban thường vụ sở này có 7 người thì có đến 3 người từ trên cử xuống. Thế thì chết rồi".
Ông Thăng cho rằng, Liên đoàn Lao động Việt Nam nên có cơ chế mới để trường tự chủ. Không cần thiết phải đưa người từ Thành ủy, UBND thành phố hay Liên đoàn Lao động vào Hội đồng nhà trường vì những người này cũng bận công việc chính của họ, không có nhiều thời gian để lo cho trường. "Đại học Tôn Đức Thắng nên tiên phong thí điểm hội đồng trường bổ nhiệm chức vụ hiệu trưởng", ông Thăng đề nghị.
Nói với Bí thư Thành uỷ, Hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng Lê Vinh Danh cho biết, trường đang gặp khó khăn khi chiếc máy đo độ loãng xương trị PQCT nhập về từ tháng 11/2015 hiện vẫn bị hải quan giữ ở cảng vì vướng quy định chưa được cấp phép của Bộ Y tế.
"Đây là chiếc máy đầu tiên được nhập về Việt Nam, trong khu vực Đông Nam Á chỉ có Thái Lan và Singapore có. Việc chậm trễ trong thủ tục nhập máy khiến Đại học Tôn Đức Thắng gặp khó trong việc dạy", ông Danh nói.
Nghe thế, ông Thăng lấy điện thoại gọi Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị cho kiểm tra. Bà Tiến cho hay đã giao cho Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến và ông này hứa sẽ sớm giải quyết vấn đề của trường Tôn Đức Thắng.
Người đứng đầu Thành ủy TP HCM đánh giá cao những thành tích và khát vọng của lãnh đạo trường Tôn Đức Thắng về việc có thể 20 năm sau có tên trong top 500 đại học hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, ông Thăng cho rằng, trước tiên cần lên kế hoạch chi tiết để lọt vào top 1.000 trường hàng đầu.
Ông Đinh La Thăng trò chuyện với sinh viên Đại học Tôn Đức Thắng. Ảnh: Mạnh Tùng |
Theo ông Thăng, Đại học Tôn Đức Thắng cần tập trung đào tạo nhân lực vào các nhóm ngành nghề mà TP HCM đang cần như tài chính – ngân hàng, tín dụng, vận tải, hàng hải, xuất nhập khẩu, tư vấn khoa học công nghệ, y tế... Trong đó, ông nhấn mạnh vào lĩnh vực y tế, bởi áp lực ngành này đang rất lớn.
Đồng thời, ông dặn lãnh đạo Đại học Tôn Đức Thắng nên thắt chặt quan hệ hơn nữa với các khu công nghệ, các doanh nghiệp để tạo việc làm cho sinh viên khi ra trường. Ngoài ra, trường cần chuyển sang mô hình xã hội hóa nhiều hơn và quản lý theo mô hình doanh nghiệp để có thể tự chủ về chương trình giảng dạy, tiền lương cho giảng viên.
Mạnh Tùng