Thông tin được đưa ra tại chương trình On EduTalk - Tư vấn tuyển sinh đại học của trường Đại học Thủ đô Hà Nội do Hệ thống Giáo dục HOCMAI phối hợp với VTV cab sản xuất.
Giảm chỉ tiêu tuyển sinh so với năm 2019
Theo PGS.TS Vũ Công Hảo, Trưởng khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Thủ đô Hà Nội năm học 2020 -2021 giảm chỉ tiêu tuyển sinh chính quy xuống còn 1750, thấp hơn so với mức 1800 vào năm 2019, căn cứ vào thực tế tái cấu trúc các đơn vị, khoa đào tạo, ngành nghề đào tạo và chủ trương tăng cường cơ sở vật chất, phát triển đội ngũ giảng viên... Quyết định này nhằm đảm bảo, nâng cao chất lượng đào tạo các chuyên ngành đại học, trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép.

Sinh viên Đại học Thủ đô Hà Nội.
Thông tin được đưa ra tại chương trình On EduTalk - Tư vấn tuyển sinh đại học của trường Đại học Thủ đô Hà Nội do Hệ thống Giáo dục HOCMAI phối hợp với VTVCab sản xuất.
Về phương thức tuyển sinh năm nay, PGS.TS Vũ Công Hảo cho biết, Đại học Thủ đô Hà Nội xét tuyển theo học bạ và kết quả kì thi THPT quốc gia. Ngoài ra, nhà trường còn xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo: Xét tuyển thẳng với các thí sinh đạt giải cao trong các kì thi quốc gia, quốc tế, đạt chứng chỉ năng lực ngoại ngữ quốc tế bậc 3 hoặc tương đương trở lên...
Hàng năm, trường sẽ tổ chức các kì thi khảo sát, đánh giá chất lượng nhằm phân loại sinh viên, lên kế hoạch giảng dạy phù hợp và điều chỉnh chương trình học.
Cơ hội cho ngành Sư phạm và Giáo dục đặc biệt
Theo Tiến sĩ Nguyễn Tiến Thăng, Chủ tịch Hội đồng trường, ngành Giáo dục đặc biệt đang ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm từ phía các em học sinh và phụ huynh. Ngành này tập trung cung cấp những kiến thức, kĩ năng giúp các sinh viên sau khi ra trường có thể tham gia nghiên cứu, tổ chức các hoạt động tham vấn, can thiệp, giúp đỡ trẻ em và học sinh mắc các hội chứng như rối loạn tự kỉ, tăng động, trầm cảm và khuyết tật trong nhận thức, học tập...

Khuôn viên Đại học Thủ đô Hà Nội.
Sinh viên ngành Giáo dục đặc biệt được học cùng chuyên gia có bằng cấp, nhiều kinh nghiệm trong việc tư vấn, giúp đỡ các trẻ em cần sự can thiệp đặc biệt. Sinh viên cũng được thực hành các kĩ năng được học ngay tại Trung tâm Tham vấn học đường và Can thiệp sớm do nhà trường thành lập. Đây là cơ hội để trau dồi, tích lũy thêm kinh nghiệm thực tế trong thời gian còn trên ghế nhà trường.
Trong số 8 khoa hiện tại của trường, khoa Sư phạm đã có truyền thống hơn 60 năm. Hiện ngoài đào tạo sinh viên Sư phạm trình độ Đại học để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và chương trình Giáo dục phổ thông mới, trường còn tổ chức đào tạo liên thông từ trình độ Cao đẳng lên Đại học cho các đối tượng giáo viên cần chuẩn hóa. Toàn bộ các chương trình đào tạo đều được xây dựng, thẩm định và triển khai đồng bộ, được đầu tư và tổ chức thực hiện nhịp nhàng nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo tốt nhất cho sinh viên.
Bên cạnh đó, Đại học Thủ đô Hà Nội còn xây dựng chương trình đào tạo theo định hướng ứng dụng. Với ngành Sư phạm, trường đẩy mạnh liên kết với các Sở Giáo dục và Đào tạo, phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện; các cơ sở giáo dục đào tạo trên địa bàn... tạo điều kiện để sinh viên tham gia thực hành, thực tập ngay từ năm thứ 2. Thời lượng giữa việc học kiến thức chuyên môn và kiến tập thực tế được cân bằng nhằm đảm bảo sinh viên được trang bị cả về chuyên môn lẫn nghiệp vụ.
Nguyễn Lê