Cuộc thi do Đại học RMIT Việt Nam và báo Hoa Học Trò tổ chức, diễn ra từ tháng 3. TechGenius 2021 là sân chơi dành riêng cho học sinh THPT có đam mê với khoa học, kỹ thuật và công nghệ. Tại đây, học sinh thành lập đội dự thi để thi đấu, lên ý tưởng và thực hiện, thuyết trình sản phẩm cuối cùng với ban giám khảo.
Tuy tổ chức dưới hình thức trực tuyến do Covid-19, TechGenius 2021 vẫn thu hút gần 100 đội dự thi từ 60 trường THPT trên cả nước. Với định hướng nâng cao nhận thức của các bạn về tầm quan trọng của khoa học, kỹ thuật và công nghệ với đời sống con người, ban tổ chức đưa ra ba đề tài: Môi trường, Sức khỏe, Giáo dục và Học tập trực tuyến. Đây là những vấn đề được quan tâm nhiều giữa tình hình thế giới nhiều biến động trong hai năm vừa qua.
Giám khảo cuộc thi - Giáo sư Brett Kirk, Trưởng khoa Khoa học, Kỹ thuật và Công nghệ RMIT Việt Nam, cho biết ý nghĩa lớn nhất của cuộc thi này là tìm ra tài năng trẻ có những giải pháp thực tiễn cho những vấn đề đang hiện hữu trong xã hội. Đây cũng là mục tiêu giáo dục học tập đi đôi với thực tiễn của Đại học RMIT Việt Nam. Trong nhiều năm, nhà trường luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục kết hợp thực tiễn, thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với doanh nghiệp, đồng thòi, tạo cầu nối để người trẻ có cơ hội chinh phục thách thức.
"Chúng ta không chỉ đang tìm ra những nhà giải quyết vấn đề mà còn là những nhà lãnh đạo công nghệ tiềm năng, bởi các bạn phải vận dụng rất nhiều kỹ năng từ giao tiếp đến làm việc nhóm, lãnh đạo và tiếng Anh", ông Kirk nói thêm.
Cuộc tranh tài của những nhà phát minh trẻ
Chung kết, ban giám khảo chọn ra 10 đội xuất sắc nhất để trình bày sản phẩm của mình. Dù là học sinh cấp 3, các thí sinh vẫn sở hữu lập trường vững vàng, kỹ năng tiếng Anh và bảo vệ sản phẩm tốt trước ban giám khảo.
Các sản phẩm trong cuộc thi đa dạng và gần gũi với cuộc sống, thể hiện mong muốn cống hiến cho xã hội. Trong đó, đội thi từ trường THPT Sơn La mang đến cuộc thi sản phẩm robot nhặt rác ở các khu vực sông, suối, hồ và giành ngôi vị Quán quân hạng mục Kỹ thuật. Sản phẩm A-EYE, ứng dụng đôi mắt nhân tạo hỗ trợ cho người khiếm thị trong việc nhận diện văn bản, vật thể, cảm xúc hay khoảng cách của người đối diện của học sinh trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên Hà Nội cũng giành chiến thắng ở hạng mục IT.
"Nhiều sản phẩm đã đạt đến độ hoàn thiện cao, hoàn toàn có thể ứng dụng vào thực tế hay thương mại hóa", giám khảo Hoàng Viết Tiến, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam kiêm Trưởng cố vấn chiến lược của Insider chia sẻ.
Khoa học, kỹ thuật và công nghệ có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng sống của con người. Do lĩnh vực này có tính chuyên môn, thường chỉ dành cho người đã qua đào tạo bài bản, nhiều học sinh THPT chưa có điều kiện nói lên những sáng kiến và hiện thực hóa ý tưởng của mình.
Theo đó, Đại học RMIT Việt Nam thực hiện TechGenius nhằm mục đích thúc đẩy tinh thần "dám thử, dám làm và theo đuổi đam mê", đồng thời, khơi dậy tinh thần khoa học và khát khao mang đến thay đổi tích cực cho xã hội của học sinh. Với hiệu ứng và thành quả gặt hái được, ban tổ chức cuộc thi cũng hy vọng có thể nuôi dưỡng thế hệ trẻ luôn tiên phong sáng tạo trong khoa học, kỹ thuật và công nghệ.
Thiên Minh